Chị Vũ Kim Thoa sang Singapore được 1,5 năm để giúp chăm sóc và dạy tiếng Việt cho cháu gái. |
Bà ngoại học tiếng Anh
Trước khi từ Việt Nam sang Singapore, chị Thoa cũng từng theo gia đình con gái sang Anh 6 tháng để hỗ trợ chăm sóc cháu khi các con phải công tác ở đây suốt thời gian này.
Với nhiều người ở tuổi chị Thoa, việc thích nghi với môi trường sống mới sẽ gặp khá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, là người có tinh thần học hỏi và tư duy cởi mở, hiện đại, bà ngoại Hà Nội đã nhanh chóng bắt kịp lối sống mới và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Trước tiên, trở ngại lớn nhất của chị là ngôn ngữ. Chị Thoa cho biết, 3 cô con gái của chị đều đang sinh sống và làm việc ở các nước nói tiếng Anh (con gái cả ở Singapore, 2 con gái sau ở Mỹ). Con rể và bạn trai các con cũng là người nước ngoài. Vì thế, từ năm 53 tuổi, chị đã xác định mình phải học tiếng Anh để kết nối với các con.
Chị chọn tự học online trên các kênh có giáo viên là người Việt. Tuy nhiên, chỉ đến khi sang Singapore, những kiến thức chị học mới được áp dụng trong các tình huống thực tiễn, giúp khả năng giao tiếp của chị tiến bộ đáng kể.
“Nếu như lúc mới sang, tôi hiểu được người ta nói 50-60% thì khi tôi nói, người ta hiểu được rất ít, chỉ 30-40%”.
Đến giờ, chị vẫn còn nhớ một tình huống hài hước về khả năng tiếng Anh hạn chế của mình. Lần đó, trong một chuyến đi chơi Thái Lan cùng gia đình, chị có mua quà về là xoài và măng cụt. Khi nhân viên sân bay ở Bangkok hỏi chị: “What is this?” (Cái gì đây?), chị lúng túng vài giây và nghĩ trong đầu: “Câu này quen quá”.
Rồi theo phản xạ, chị bật ra: “This is mango and măng cụt”. Sau mới biết mình cuống quá nói nhầm, chị đem câu chuyện kể lại cho cả nhà thì các con chị cười ồ lên. Cô con gái còn nói đùa: “Mẹ yên tâm. Phong thái giao tiếp của mẹ rất tự tin. Cô nhân viên cũng là người nói tiếng Anh như ngoại ngữ thứ 2, nên cô ấy sẽ nghĩ là do lỗi của cô ấy. Cô ấy sẽ nghĩ là mình cần phải học thêm tiếng Anh để biết ‘măng cụt’ có nghĩa là gì”.
Những ngày đầu mới sang Singapore, khi phải ra ngoài có việc cần giao tiếp phức tạp, chị đều phải nhờ sự trợ giúp của cô con gái thứ 2 ở Mỹ qua video call. “Vì đó là giờ làm việc ở Singapore nên tôi không muốn phiền tới con gái cả, còn ở bên Mỹ, đó là buổi tối”.
Bây giờ, sau 1,5 năm được tiếp xúc với môi trường nói tiếng Anh, trải qua nhiều tình huống đa dạng, chị đã hoàn toàn tự tin đi khắp nơi một mình, từ đi mua sắm, đi ăn nhà hàng cho tới đi khám bác sĩ.
Ra đường sạch đẹp như công viên
Chị Thoa thưởng thức bữa trưa trong ngày mồng 1 Tết ở Singapore. |
Đúng như được ca ngợi, trong mắt chị Thoa, Singapore là một đất nước sạch sẽ, an toàn, hệ thống y tế tốt. “Đường sá, tàu điện ngầm, xe buýt, bệnh viện… tất cả đều rất sạch đẹp. Bước ra đường là tràn ngập cây xanh, dễ chịu như đi trong công viên”.
Để làm được như vậy, đất nước này đặt ra những quy định rất nghiêm ngặt và người dân của họ đã quen với điều đó. Ví dụ như ở nơi công cộng, gần như không nhìn thấy người dân ăn uống. Xe buýt, tàu điện ngầm đều cấm chó, mèo.
Hệ thống tàu điện ngầm của Singapore vô cùng tiện lợi - giờ cao điểm 1 phút/chuyến, còn lại là 3-4 phút/chuyến. Tàu điện ở nước này cũng có rất nhiều làn đường khác nhau, giúp người dân dễ dàng chuyển tuyến, đi tới đúng địa điểm mình cần. Thậm chí khi bước ra khỏi ga tàu, đường sá đều có khu vực có mái che về đến tận nhà người dân. “Vì thế, mưa nắng không có ý nghĩa gì khi bạn đi tàu điện ngầm”.
Hệ thống y tế của Singapore cũng rất xuất sắc trong mắt chị. “Tôi có cảm giác như bác sĩ quan sát và khám cho tôi từ khi tôi bước chân vào phòng. Mỗi bước chân của tôi đều được bác sĩ quan sát và đưa ra nhận xét. Bệnh viện thì cực kỳ sạch sẽ và yên tĩnh. Bởi vì muốn khám bệnh là phải có lịch hẹn với bác sĩ từ trước, chứ không phải đến ồ ạt cùng một lúc”.
Đắt đỏ hơn cả châu Âu
Cộng đồng người Việt ở Singapore khá đông, vì thế ẩm thực Việt Nam ở đây không có gì xa lạ. “Từ bánh dày giò, bánh khúc, bún chả… đều có hết. Thậm chí, bánh dày giò ở đây tôi ăn còn thấy ngon hơn ở Hà Nội” - chị Thoa kể.
Tuy nhiên, có một đặc điểm mà tất cả người nước ngoài ở Singapore đều thừa nhận, đó là giá cả mọi thứ đắt đỏ. “Bởi vì, Singapore không mạnh về nông nghiệp, hầu hết thực phẩm đều phải nhập khẩu. Tôi tự so sánh, thấy giá cả nhu yếu phẩm ở Sing đắt gấp 3 lần ở Anh, gấp 9-10 lần Việt Nam. Ví dụ, tính ra tiền Việt, một cái bắp ngô loại ngon khoảng 80 nghìn đồng, 1 củ sắn chưa đến 1kg có giá 100 nghìn đồng, chuối 20 nghìn đồng/quả, 170 nghìn mua được 3 chiếc bánh dày giò…”.
Tuy nhiên, chị không thể phủ nhận chất lượng thực phẩm ở đây rất tốt, hàng hoá đa dạng - sẵn có cả đồ Âu lẫn đồ Á. Siêu thị của họ thường có khoảng 20 loại táo, 5-6 loại khoai lang. Các loại thực phẩm Việt Nam cũng không thiếu thứ gì.
Chi phí khám bệnh ở Singapore cũng đắt đỏ, ví dụ mỗi lần gặp bác sĩ mất khoảng 120 SGD (2 triệu đồng) tiền khám, trong khi tiền thuốc có khi chỉ bằng 1/10.
Để chi trả được cho sự đắt đỏ này, người dân ở đây có thu nhập tốt. “Thông thường, lương tối thiểu cho 1 giờ lao động phổ thông sẽ đủ ăn cả 1 ngày”.
Mua nhà gần bố mẹ, được tặng tiền
Hai bà cháu đi thăm trang trại nuôi dê. |
Chị Thoa cho biết, Singapore là quốc gia có nhiều sắc tộc. Họ giao tiếp bằng 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Mã Lai. Thông báo, biển báo ở tất cả các địa điểm công cộng đều lần lượt sử dụng cả 3 thứ tiếng này. “Người dân ở đây thích nghe Tổng thống phát biểu, không hẳn vì nội dung ông nói, mà người ta thích nhìn cách ông chuyển sang cả 3 ngôn ngữ khi nói bất cứ điều gì trên tivi”.
Bà ngoại người Việt cũng dành nhiều lời khen đặc biệt cho hệ thống phúc lợi của đất nước này. “Trong giai đoạn Covid-19 tấn công, với mỗi đứa trẻ sinh ra từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2022, bố mẹ sẽ được nhận thêm 3.000 đô la Sing (SGD) (hơn 50 triệu đồng) trợ cấp sinh nở ngoài khoản trợ cấp từ 8.000-10.000 SGD trước đây”.
Chính phủ nước này cũng có một món quà đặc biệt nhằm khuyến khích con cái mua nhà gần bố mẹ. “Nếu bạn mua nhà gần nhà bố mẹ, đảm bảo một vài quy định cụ thể gì đó, bạn sẽ được tặng 50.000 SGD (khoảng 835 triệu đồng). Con gái và con rể tôi cũng nhận được món quà này”.
Chia sẻ về thời gian sống chung với các con, chị cho biết, “nhiệm vụ” đặc biệt của chị khi sang đây là dạy cho cháu gái nghe nói tiếng Việt để không quên nguồn gốc.
Trong quá trình chăm sóc cháu, chị và các con chưa xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào. Bởi vì chị tự nhận mình là mẫu phụ huynh hiện đại, hiểu biết và tôn trọng tuyệt đối quan điểm nuôi dạy con của các con. “Tôi có thể góp ý, đưa ra ý kiến của mình, nhưng khi 2 bên không thể đi đến thống nhất thì tôi dành quyền quyết định cuối cùng cho các con, không phàn nàn hay chỉ trích”.
Ngược lại, các con chị cũng rất tôn trọng mẹ, đặc biệt là chàng rể người Singapore luôn ứng xử với mẹ vợ như khách quý. “Con luôn biết chào hỏi, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi ngay cả với những sinh hoạt hằng ngày nhỏ nhất. Tôi là người đi chợ mua sắm trong nhà, nhưng khi hoa quả để trên bàn, con muốn ăn vẫn hỏi tôi ‘con có thể ăn được không?’”.
Bà ngoại 58 tuổi cho biết, hiện tại chị rất hài lòng với cuộc sống bên con cháu. Khi trải nghiệm cuộc sống ở đất nước này, chị thấy rất vui vì cách đây nhiều năm đã quyết định cho con sang đây học tập.
Đăng Dương
Ảnh: NVCC
8X Việt: 'Ở Ý 10 năm, tôi không thể dùng hàng nhái được nữa'
Bước ra đường, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cụ già 80-90 tuổi mặc đồ hiệu từ đầu đến chân, thậm chí đến cả chiếc gậy chống cũng là hàng hiệu.