Công nghệ số Việt Nam giải các bài toán đặc thù Việt Nam

Chiều 11/12, chuyên đề “Sáng tạo ứng dụng số đưa công nghệ số vào cuộc sống” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5 đã diễn ra tại Quảng Ninh. 

W-psx-20231211-154413-1.jpg
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Các diễn giả tham gia tọa đàm “Sáng tạo ứng dụng số đưa công nghệ số vào cuộc sống” chiều 11/12 tại Quảng Ninh. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo xu thế hiện đại, doanh nghiệp, tổ chức dần chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh linh hoạt; trong đó, quy trình được tự động hóa và tối ưu, sử dụng hạ tầng đám mây và dịch vụ, kinh doanh dựa trên dữ liệu, ứng dụng công nghệ IoT... Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn chỉ ra, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức như đòi hỏi đầu tư lớn, thay đổi trong văn hóa tổ chức, chất lượng dữ liệu, kiến thức và nhận thức, an toàn và bảo mật. Để vượt qua những khó khăn này, đòi hỏi người lao động và đặc biệt là người lãnh đạo phải có kiến thức và nhận thức trong ứng dụng khai thác công nghệ số để vận hành, kinh doanh. Người lãnh đạo chỉ có thể quyết tâm chuyển đổi doanh nghiệp khi thực sự ý thức được rõ vai trò giá trị của doanh nghiệp công nghệ số, ví dụ cắt giảm chi phí, tăng doanh thu, tạo sản phẩm mới.

W-psx-20231211-154010-1.jpg
Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn (trái) và ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI, Tập đoàn Công nghệ CMC trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

FPT đã đưa ra giải pháp akaCam, nền tảng phân tích video giúp chuyển đổi dữ liệu video từ Camera IP thành thông tin có cấu trúc được xử lý và phân tích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh linh hoạt. akaCam đáp ứng nhu cầu giám sát đa dạng của kho bãi, nhà máy hay cửa hàng bán lẻ, phòng giao dịch, trung tâm thương mại. Đặc biệt, akaCam cũng đang được sử dụng trong Đề án 06 để triển khai camera AI kiểm soát an ninh tại các phương tiện công cộng, giảm nhân lực kiểm soát ra vào, nhân lực an ninh cũng như thời gian phân tích, thống kê, báo cáo.

Một bài toán đặc thù của Việt Nam đang được xử lý dứt điểm là xe quá tải trọng. Thống kê cho thấy chi phí bảo trì hệ thống đường quốc lộ và đường tỉnh, cao tốc lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng năm 2023 và dự kiến tăng trưởng 10% mỗi năm. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó có xe chở quá tải trọng cho phép. Trong giai đoạn 2013 – 2023, việc kiểm soát tải trọng xe được thực hiện bằng trạm cân lưu động sử dụng cân xách tay với 3,1 triệu lượt xe được kiểm tra, phát hiện 268.000 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, phương pháp này có những nhược điểm như tốn nguồn lực, tốn thời gian, vận hành khai thác thủ công, chi phí vận hành lớn và chưa thể giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải trọng.

W-psx-20231211-154137-1.jpg
Ông Lại Hữu Thanh - Giám đốc Sản phẩm Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom - chia sẻ về giải pháp eWIM. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trước tình hình này, công ty Elcom đã phát triển hệ sinh thái thông minh Elcom mà hệ thống cân tải trọng tự động eWIM là một thành phần quan trọng. eWIM tự động hoàn toàn và xử lý dữ liệu trên môi trường số, giúp kiểm soát 100% trường hợp vi phạm 24/7, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tiết kiệm nguồn lực 75%, giảm chi phí vận hành 80%, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành, lập quy hoạch, dự báo, tối ưu hóa thiết kế mặt đường và công trình trên đường.

So với giải pháp nước ngoài như camera bắn tốc độ áp dụng rất tốt với ô tô nhưng không hiệu quả với xe máy – một đặc thù của Việt Nam, kỹ sư Việt Nam có thế mạnh hơn để giải quyết vấn đề của Việt Nam. Ví dụ, camera giám sát vi phạm vượt đèn đỏ có thể giám sát xe máy, người không đội mũ bảo hiểm, có gương xe...

Đưa công nghệ số vào đời sống không hề dễ dàng

Chia sẻ về hệ thống rà soát văn bản pháp luật, ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI - Tập đoàn Công nghệ CMC, cho biết đây là quy trình không dễ dàng. Đặc thù xử lý văn bản luật khá khó và đòi hỏi phải có chuyên gia ngành luật, trong khi người làm công nghệ chỉ hiểu biết ở mức độ bình thường.

Vì vậy, CMC phải liên hệ với các chuyên gia, luật sư để hỗ trợ phân tích, hiểu được văn bản, đồng thời mời các chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Dự án cần có sự phối hợp của nhiều bên, kể cả các cán bộ ngành tư pháp. Theo ông Đặng Minh Tuấn, công ty đã nhận được hỗ trợ đúng mức từ các lãnh đạo ban ngành, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Bộ trưởng đã đặt đầu bài cho các doanh nghiệp làm sao để cải thiện việc xây dựng văn bản pháp luật hạn chế tối đa chồng chéo, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật.

W-psx-20231211-153838-1.jpg
Ông Trần Xuân Khôi, CEO Công ty Cổ phần VTI, chia sẻ kinh nghiệm khi hoạt động tại Nhật Bản và Singapore. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

So với doanh nghiệp nước ngoài, họ bắt đầu chuyển đổi số từ rất lâu và nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ chính phủ. Chẳng hạn, theo ông Trần Xuân Khôi, CEO Công ty Cổ phần VTI, tại Nhật Bản và Singapore, nếu một doanh nghiệp ứng dụng hệ thống do doanh nghiệp CNTT trong nước phát triển, chính phủ sẽ tài trợ 70% chi phí, còn doanh nghiệp CNTT nhận đủ 100%. Chính sách này thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn. Ông mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ truyền thông, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm trong nước đã là một động viên, khuyến khích doanh nghiệp làm sản phẩm.

Hiện tại, Chính phủ đang phất ngọn cờ chuyển đổi số trong cả nước và Bộ TT&TT đóng vai trò là thuyền trưởng trong việc định hướng, truyền thông phát triển sản phẩm Make in Viet Nam và ứng dụng cho Việt Nam. Ở góc độ cá nhân, đại diện VTI kiến nghị Chính phủ có thể giúp doanh nghiệp mở thị trường tốt hơn nữa, cùng nhau đưa giải pháp ra nước ngoài do thị trường trong nước quy mô còn hạn chế vì doanh nghiệp chưa có đủ tiềm lực đầu tư, trong khi chi phí phát triển vô cùng lớn. Trong quá trình làm việc, ông tự tin rằng sản phẩm Việt Nam không hề hề kém cạnh doanh nghiệp các nước.

W-psx-20231211-154217-1.jpg
Ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Tương lai NextX. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Còn theo ông Trần Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Tương lai NextX, Chính phủ nên hỗ trợ chính sách vay vốn tốt hơn cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Công nghệ số được coi là lực lượng sản xuất chính trong sự phát triển của một nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp số là nhân tố trọng tâm tạo ra lực lượng sản xuất mới này. Theo ông Đặng Minh Tuấn, về phía doanh nghiệp, cần phải tuân thủ quy định và đồng hành cùng Nhà nước, tham mưu, tư vấn các khung pháp lý vì luật luôn có khoảng cách giữa thực tiễn và văn bản. Có những ngành, nghề, lĩnh vực mới xuất hiện chưa có luật pháp điều chỉnh nên không biết triển khai thế nào, ví dụ blockchain, tiền số... và cũng chưa có biện pháp thử nghiệm như mô hình sandbox. Doanh nghiệp cần đề xuất khó khăn, vướng mắc để Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh.

Sự đồng hành của Chính phủ và doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh việc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường.