Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.
Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình CNH-HĐH, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm đổi mới.
Nguyên nhân chính của các hạn chế này nằm ở công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp. Thể chế, chính sách về đô thị và phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và ổn định; công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn lỏng lẻo, tiêu cực.
Nghị quyết 06 của Chính phủ đề ra các mục tiêu thách thức về phát triển các nền tảng hạ tầng số đồng bộ, khép kín từ thu thập đến khai thác, ứng dụng dữ liệu.
Hiện nay, các tập đoàn công nghệ đã sẵn sàng các hạ tầng và năng lực công nghệ để hỗ trợ chính phủ xây dựng các đô thị thông minh, hiện đại. Viettel đang là đơn vị hàng đầu về truyền dẫn với mạng cáp quang, mạng 4G, 5G ngang tầm khu vực. Viettel có sẵn hạ tầng, năng lực để lưu trữ, bảo vệ dữ liệu với các trung tâm dữ liệu lớn, nền tảng Cloud do chính mình làm chủ. Tập đoàn cũng đang đầu tư để khai thác hiệu quả dữ liệu ứng dụng công nghệ mới nhất như Blockchain, AI. Trong tương lai, Viettel sẽ tham gia phát triển các giải pháp thu thập dữ liệu như camera, cảm biến sinh trắc để phục vụ các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với kinh nghiệm tham gia tư vấn và triển khai đô thị thông minh cho hơn 40 tỉnh thành, VNPT thấy rằng, để có được các đô thị thông minh có tính kết nối cao, phát triển bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng đô thị thông minh phải đảm bảo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai các nền tảng, hạ tầng số dùng chung phục vụ phát triển đô thị thông minh, như Hạ tầng kết nối mạng tốc độ cao; Hạ tầng điện toán đám mây có khả năng kết nối với khả năng mở rộng linh hoạt, an toàn, tiết kiệm chi phí đầu tư/ vận hành; Hạ tầng vạn vật kết nối (IoT); Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để giúp lãnh đạo Chính quyền trong điều hành, quản lý đô thị; Hệ thống giám sát an ninh trật tự, giao thông thông minh; Kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống Một cửa liên thông; Hệ thống thông tin quản lý đất đai; các hệ thống quản lý của các ngành giáo dục , ý tế, giám sát môi trường…
Trong khi đó, các nhà phát triển BĐS như Phú Long đã và đang thực hiện thành công những dự án khu dân cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại tầm cỡ trên khắp cả nước. Đáp ứng về môi trường sống tiện nghi, sang trọng, hiện đại mà còn luôn mang lại giá trị thông qua những liên kết chặt chẽ trong một hệ sinh thái bền vững từ tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế đến dịch vụ hàng không.
Để xây dựng các đô thị hiện đại, thông minh đòi hỏi phải có các dịch vụ số đi kèm, trong đó dịch vụ ngân hàng số là một trong những dịch vụ cần được chú trọng. Với giao diện thiết kế linh hoạt, thông minh, bảo đảm về tính an toàn. Trong đó, BIZ MBBank do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phát triển là một công cụ đắc lực hỗ trợ công việc kinh doanh cho doanh nghiệp. Mọi giao dịch liên quan đến tài chính ngân hàng được thực hiện online 100%. Thấu hiểu vấn đề chi phí của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số, sản phẩm này của MB cho phép doanh nghiệp tiết kiệm không chỉ nguồn lực vận hành mà còn tiết kiệm chi phí thực tế tới 40 triệu/năm.
VietinBank cũng đang đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ để góp phần kiến tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống của những cư dân đô thị xanh, bền vững.
Để góp phần sớm đưa Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” vào ngày 16-17/06/2022.
Đây là sự kiện thường niên gắn với công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Diễn đàn bao gồm 01 Phiên toàn thể dự kiến do lãnh đạo Đảng, Chính phủ và một số Bộ trưởng đồng chủ trì; 4 Hội thảo chuyên đề về các chủ đề liên quan tới các vấn đề then chốt trong xây dựng và phát triển bền vững đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ có hoạt động triển lãm về các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – dịch vụ, đô thị sáng tạo…; các nền tảng số và giải pháp công nghệ số cho xây dựng và quản lý đô thị bền vững, đô thị thông minh, chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; các dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử của đô thị hiện đại...
Nguyệt Minh