Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vừa báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8 tới đây.
Trong các vấn đề được Bộ trưởng Tư pháp báo cáo có nội dung về giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng giải trình về giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các bộ, ngành, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi chương trình.
Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được thông qua với tỷ lệ cao.
Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật…
Công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ, tiếp tục phát huy cơ chế hội đồng thẩm định. Các báo cáo thẩm định cơ bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đánh giá tốt và được các đại biểu Quốc hội tham khảo kỹ trong quá trình thảo luận.
Từ năm 2021 đến 31/5/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 533 dự án, dự thảo và 71 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phải ban hành 123 văn bản; đến ngày 30/7 đã ban hành 105 văn bản...
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có nhiều quy định mới với mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ thường xuyên yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tuân thủ nghiêm quy trình, thực hiện minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Hiện nội dung này đã hoàn tất việc chỉnh lý dự thảo và chuẩn bị thông qua.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp tham gia góp ý, xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật…
Bộ trưởng Tư pháp đánh giá, kết quả thời gian qua đã tiếp tục thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại XIII của Đảng và tại các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác pháp luật, tư pháp.
Qua đó đã góp phần quan trọng, trước mắt và lâu dài vào công cuộc kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh trong tham mưu xây dựng thể chế
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào chương trình không theo chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao.
Còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.
“Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi”, Bộ trưởng Tư pháp đánh giá.
Để khắc phục những tồn tại này, trong thời gian tới theo Bộ trưởng Lê Thành Long cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.
Trong đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”…
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.
Trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật…