Việc sáp nhập giữa Bình Định (có thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, cảng biển) và Gia Lai (có lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản) sẽ tạo nên một “siêu tỉnh” vừa có rừng vàng, vừa có biển bạc.
Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị Trung ương 11, dự kiến tỉnh Gia Lai sáp nhập với tỉnh Bình Định và lấy tên là tỉnh Gia Lai. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên giao các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Định trong việc tham mưu thực hiện các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60 của Trung ương…
Kết nối 2 thế mạnh đặc trưng
Gia Lai là một tỉnh miền núi rộng lớn của Tây Nguyên, nổi bật với đất bazan màu mỡ, có thế mạnh nông - lâm nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả. Đồng thời, địa phương này đang nổi lên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Gia Lai còn là nơi hội tụ của 39 dân tộc nên giàu bản sắc văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng. Năm 2024, tỉnh này ghi nhận GRDP đạt 111.210 tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 6.335 tỷ đồng, đón hơn 1,34 triệu lượt khách du lịch.
Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng. Ảnh: Hoài Bắc
Bình Định là một trong những địa phương năng động của miền Trung, sở hữu hệ thống cảng biển, khu công nghiệp phát triển, cùng vị trí kết nối chiến lược giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Năm 2024, tỉnh này ghi nhận GRDP đạt 130.800 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 16.000 tỷ đồng, đón hơn 5 triệu lượt du khách.
Hiện, Bình Định cần mở rộng không gian phát triển để đột phá, trong khi Gia Lai thiếu cảng biển và logistics để nâng cao năng lực xuất khẩu. Khi 2 tỉnh “về chung nhà”, 1 “siêu tỉnh” sẽ ra đời, bổ sung cho nhau về mặt quy mô, hạ tầng, năng lực quản trị, đồng thời khắc phục điểm yếu của mỗi địa phương.
Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) - nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai sau hợp nhất. Ảnh: Hoàng Hà
Sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa mục tiêu kết nối “cao nguyên không biển” với “duyên hải có cảng”, tạo ra một trung tâm mới mạnh về cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đây là một bước đi chiến lược để tái cấu trúc phát triển vùng.
Mở ra tiềm năng xây dựng chuỗi đô thị vệ tinh
Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới có diện tích khoảng 21.576,5km², lớn thứ hai cả nước với dân số hơn 3 triệu người. Với 2 trung tâm lớn là Quy Nhơn và Pleiku, địa phương có thể phát triển theo mô hình “cặp đô thị song hành”, vừa thuận lợi cho điều phối vùng, vừa mở ra tiềm năng xây dựng chuỗi đô thị vệ tinh kết nối liên hoàn.
Đồng thời, tỉnh sẽ có đủ điều kiện để phát triển đa ngành, quản trị đa cực, điều phối hiệu quả, tạo ra sức bật kinh tế - xã hội đồng đều giữa miền núi và ven biển.
Một trong những lợi thế lớn nhất của “siêu tỉnh” tương lai là khả năng kết nối Đông - Tây. Trục giao thông Quy Nhơn - Pleiku hiện nay đã được nâng cấp toàn tuyến, với quốc lộ 19 đóng vai trò là hành lang huyết mạch vận chuyển hàng hóa và kết nối giao thương giữa 2 khu vực.
Quốc lộ 19 đang giữ vai trò trục giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với duyên hải miền Trung. Ảnh: N.T.
Đặc biệt, trong quy hoạch quốc gia đến năm 2030, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được đề xuất đầu tư, sẽ tạo ra trục giao thông xuyên vùng Đông Tây ổn định và hiện đại nhất khu vực.
Khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa biển và cao nguyên chưa đầy 2 giờ, mở ra đột phá lớn cho logistics, xuất khẩu, du lịch và di dân liên vùng.
Việc hợp nhất 2 tỉnh cũng sẽ giúp thống nhất quy hoạch hạ tầng, tránh trùng lặp hoặc thiếu đồng bộ ở khu vực giáp ranh. Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ phụ cũng có cơ hội được quy hoạch lại theo hướng hiện đại, kết nối trực tiếp các vùng nguyên liệu - khu công nghiệp - khu cảng biển, giúp gia tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách.
Đối với hàng chục nghìn hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, gỗ, rau quả… tại Gia Lai, việc có cảng biển quốc tế Quy Nhơn “trong tỉnh” sẽ giúp giảm đáng kể chi phí logistics, rút ngắn hành trình xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cảng Quy Nhơn hiện có khả năng tiếp nhận tàu trên 50.000 DWT và đang được quy hoạch mở rộng, với mục tiêu trở thành cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Cảng Quy Nhơn
Ngoài ra, tỉnh mới cũng có thể quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mới ở Gia Lai - nơi còn dư địa lớn về mặt bằng và lao động, giảm tải cho khu vực ven biển Bình Định đang phát triển nóng.
Về du lịch, sự hợp nhất giúp phát huy thế mạnh đa dạng: biển đảo, rừng núi, văn hóa bản địa, tháp Chăm, lễ hội Bahnar… sẽ tạo ra sản phẩm du lịch “xuyên không gian - đa trải nghiệm” nhiều tiềm năng.
Gia Lai sẽ chính thức có “biển quê hương” và không còn là điểm du lịch xa xôi. Biển Quy Nhơn có thể trở thành điểm đến thường nhật cho người dân Tây Nguyên. Việc này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, mà còn mở ra cơ hội học tập, làm việc, giao thương cho thế hệ trẻ.
Tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Bình Định khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Hồ Quốc Dũng cho biết: tỉnh đã quyết định sắp xếp từ 20 đơn vị chuyên môn của UBND tỉnh xuống còn 14 sở, ngành... Sau khi hợp nhất, các cơ quan cần sắp xếp, tinh giảm ít nhất 35% số lượng các phòng, ban.
Tại buổi họp báo ngày 18/4 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Bình Định, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho hay sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 41 xã, 17 phường - giảm 97 đơn vị hành chính. TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn sẽ có 17 phường, 2 xã.
Tỉnh Gia Lai thì thống nhất sắp xếp, tổ chức từ 218 đơn vị hành chính cấp xã thành 77 đơn vị (gồm 69 xã và 8 phường).