Sự cố sập sàn chứng khoán HOSE có thể gây thiệt hại khá lớn về cả tiền bạc và niềm tin. Thực tế sự cố là gì, nguyên nhân tại sao và cách khắc phục hậu quả như thế nào vẫn là điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi.

Thiệt hại trăm tỷ

Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) gặp sự cố "lỗi kỹ thuật" chiều 22/1. Tối cùng ngày, HOSE đã xác nhận thông tin và tạm ngừng giao dịch phiên ngày 23/1, sau đó thông báo hoãn tiếp ngày 24/1 để "kiểm thử với các CTCK thành viên toàn thị trường" trước khi mở cửa trở lại.

Thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây có lượng giao dịch rất lớn, khoảng 10 ngàn tỷ đồng/ngày. Với mức phí giao dịch trung bình khoảng 0,2%/giá trị giao dịch, các công ty chứng khoán thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, thuế cũng khoảng 10 tỷ đồng/ngày.

Với các nhà đầu tư, thiệt hại rõ nhất là khoản lãi trả cho các công ty chứng khoán/ngân hàng cho các khoản vay ký quỹ. Với lượng vốn vay ký quỹ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, thì mỗi ngày, các nhà đầu tư cũng phải trả xung quanh ngưỡng 15 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính hai ngày qua và 1 phần trong phiên giao dịch chiều 22/1, thiệt hại lên tới khoảng 100 tỷ đồng.

{keywords}

Đó mới chỉ là những thiệt hại nhìn thấy, có thể đo đếm ước lượng được. Còn những thiệt hại khó đo đếm như niềm tin, cơ hội mua bán, biến động giá cổ phiếu,... khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và bức xúc.

Sự cố sập sàn chứng khoán TP.HCM được cho là gây thiệt hại không chỉ cho các thành viên thị trường, nhà đầu tư mà còn cho cả TTCK và nền kinh tế.

Ông Đỗ Tất Thành, một nhà đầu tư trên sàn FPTS, cho biết, nhiều người mất cơ hội mua bán trong đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ cuối phiên ATC chiều 22/1 do tất cả các lệnh đưa vào đều bị hủy. Số lượng và giá trị chưa được công bố nhưng có thể là không nhỏ, bởi phiên này thường chiếm 10-15%, thậm chí 40% so với tổng phiên giao dịch, tức là có thể từ 1.000-4000 tỷ đồng.

“Thị trường đang ở thời kỳ tăng mạnh, giao dịch sôi sục. Nhiều người còn vay tiền lướt sóng chứng khoán và chắc chắn bị thiệt hại khi HOSE ngừng giao dịch 2 ngày liên tiếp. Bên cạnh đó, còn là thiệt hại về niềm tin, uy tín,... ”, ông Thành chia sẻ.

Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM nhận định, một khi TTCK ngưng hoạt động thì hầu hết các thành phần tham gia thị trường đều thiệt hại. Và nếu ở nước ngoài, họ có thể kiện đơn vị tổ chức sàn giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Tám, một nhà đầu tư - đặt câu hỏi, tại sao các giao dịch trên thị trường lớn và quan trọng như vậy mà hệ thống hoạt động hoạt động không có dự phòng, sập là sập cả hệ thống? Mà, sự cố sập sàn đã từng xảy ra nhiều lần, trong đó có lần cũng kéo dài vài ngày như hồi tháng 5/2008.

Sự cố sẽ rơi vào quên lãng?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật Thiên Thanh, cho rằng, nếu ở nước ngoài, đơn vị tổ chức giao dịch là các doanh nghiệp, các công ty cổ phần thì những sự cố về giao dịch hoàn toàn có thể bị kiện nếu các nhà đầu tư chứng minh được thiệt hại.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch thành viên Công ty luật Basico, nhìn nhận, về mặt pháp lý, nhà đầu tư có quyền khởi kiện HOSE. Việc khởi kiện có được cơ quan thu lý hồ sơ chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

{keywords}

Trên thực tế, một số công ty chứng khoán cho hay, thiệt hại mỗi ngày có thể là vài trăm triệu đồng nhưng với họ: “Thiệt hại là chắc chắn rồi, bên cạnh đó còn là chi phí cơ hội. Nhưng cũng bất khả kháng. CTCK cũng đã chứng kiến nhiều lần sập sàn rồi. Do vậy, cũng không bất ngờ lắm”, đại diện một CTCK cho biết.

“Ảnh hưởng tới các quỹ đầu tư được đánh giá là cũng có. Các quỹ ngoại cũng bị chậm nhịp độ đầu tư. Nhưng hầu hết các quỹ này đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm tại Việt Nam, sự cố gì cũng trải qua rồi. Điều họ lo lắng hơn cả là vấn đề chính sách”.

Một số dự báo cho rằng, với khí thế hừng hực như trong vài phiên vừa qua, thị trường lại bị dồn nén sau vài phiên tạm ngừng giao dịch, nhiều khả năng sức nén sẽ là rất lớn và thị trường có thể bùng nổ, đồng loạt tăng trần trong phiên mở cửa giao dịch trở lại.

Và nếu đúng là như vậy, sự cố sẽ nhanh chóng bị trôi vào quên lãng.

Mặc dù vậy, theo đại diện này, sau sự cố, Sở nên tự kiểm điểm và có những phương án dự phòng trong tương lai. Thị trường cũng muốn biết rõ nguyên nhân của sự cố cụ thể là như thế nào, chứ không muốn nhận những thông tin chung chung với những đại từ chung chung như “lỗi kỹ thuật”.

Sự cố trên là do lỗi gì, nguyên nhân nào, chủ quan hay khách quan, lỗi nếu có là của ai và ai là người chịu tránh nhiệm, có đền bù thiệt hại hay không? Đây là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý để tránh xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai.

Sở GDCK TP.HCM năm 2017 chứng kiến bước đột phá lớn. Chỉ số VN-Index tăng 48%. Vốn hóa chỉ trong năm 2017 tăng thêm gần 50 tỷ USD lên gần 110 tỷ USD. Giao dịch trên sàn này gần đây đạt khoảng 8000 tỷ đồng/phiên. HOSE cùng với sàn chứng khoán Hà Nội và Upcom đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

M. Hà