Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 - 2030, sáp nhập hàng trăm huyện và hàng nghìn xã.
Từ ngày 9 – 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 23 cho ý kiến và thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Theo chương trình, dự kiến chiều 10/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Những huyện, xã phải sáp nhập
Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030.
Các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 7,38%) và 1.037 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 9,78%) có cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên chưa đạt 70%, thuộc diện phải sáp nhập trong 3 năm tới.
Cũng trong giai đoạn này, các đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định cũng phải sắp xếp.
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định cũng thuộc diện sáp nhập.
Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030 gồm những huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn quy định.
Đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định cũng thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện sắp xếp nêu trên để giảm số lượng đơn vị, tăng quy mô, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống của Nhân dân.
Nhiều chính sách đột phá hỗ trợ cán bộ dôi dư
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự kiến số lượng huyện, xã phải sắp xếp, sáp nhập tới đây là rất lớn.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 48.951 người. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 27.972 người.
Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách đột phá, khá mạnh tay ngay trong 2 dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố sắp được ban hành.
Cụ thể, dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đưa ra hàng loạt các chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay.
Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là 9.732 tỷ đồng.
Ngoài ra, để giải quyết khó khăn của các địa phương, ngoài kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm, Chính phủ cũng đề xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương.
Theo đó, Trung ương hỗ trợ địa phương bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã được giảm.
Số ngân sách này dùng để hỗ trợ trong việc thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính…
Theo Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022:
- Huyện miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 850km2 và dân số 80.000 người trở lên
- Các huyện còn lại: Phải có diện tích 450km2 và 120.000 người trở lên.
- Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố: Phải có diện tích từ 150km2 và dân số từ 150.000 người trở lên
- Thị xã: Phải có diện tích từ 200km2 và dân từ 100.000 người trở lên
- Quận: Phải phải có diện tích từ 35km2 và dân số từ 150.000 người trở lên.
- Các xã miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 50km2 và 5.000 người trở lên.
- Các xã còn lại: Phải có diện tích 30km2 và 8.000 người trở lên.
- Phường: Phải có diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên, đồng thời có từ 15.000 người với phường thuộc quận, từ 5.000 người với phường thuộc thị xã.
- Thị trấn: Phải có điện tích từ 14km2 và 8.000 dân trở lên.
Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ một lần cho các địa phương với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi xã được giảm sau khi sáp nhập.
Hiện có 52 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.037 đơn vị hành chính cấp xã có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nằm trong diện đề nghị sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025.