Mỗi dịp đầu năm học, vai trò của Ban đại diện phụ huynh luôn trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cha mẹ học sinh và giáo viên. Liệu Ban phụ huynh có thực sự đại diện cho tiếng nói của phụ huynh và làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình?
Diễn đàn Vai trò của Ban đại diện phụ huynh trong nhà trường do chuyên mục Giáo dục của VietNamNet mong muốn lắng nghe ý kiến, chia sẻ và đóng góp từ chính các bậc phụ huynh, giáo viên và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà để xây dựng giải pháp thực tiễn cho vấn đề này.
Bài viết dưới đây là chia sẻ về trải nghiệm của một người mẹ ở Hà Nội từng giữ vai trò hội trưởng hội phụ huynh 2 năm.
Lớp con tôi vừa tổ chức họp phụ huynh cuối tuần trước. Con đi học 8 năm nhưng đây là lần đầu tôi không đi họp, chỉ vì quá ngán vai trò làm đại diện ban phụ huynh. Tôi đã giữ vai trò đó suốt 2 năm nhưng cảm thấy quá mệt mỏi và lực bất tòng tâm.
Thực tế, “cơ duyên” khiến tôi làm hội trưởng hội phụ huynh của lớp con khá buồn cười. Nhà tôi có một cửa hàng tạp hóa gần trường - nơi các giáo viên thi thoảng ghé mua vài món đồ nên tôi được nhiều thầy cô quen mặt. Năm con lên lớp 6, trước ngày họp phụ huynh đầu năm mấy hôm, tôi nhận được cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm, nội dung là: “Ngày mai, em nhờ chị nhận hộ làm trưởng ban phụ huynh. Lớp mới, phụ huynh đông mà bác trưởng ban năm trước nhất định không chịu làm nữa. Em nhìn cả lớp thấy chị là hợp nhất rồi. Chị cố gắng giúp em, để buổi họp suôn sẻ. Trong ban có một vài bố mẹ khác sẽ cùng hỗ trợ, chị cứ nhận hộ em”.
Vốn chưa vào ban bệ nào bao giờ, tôi rất ngại và từ chối nhưng cô cố nài. Con trai tôi khi ấy có vẻ thích thú, còn hứa nếu mẹ đồng ý làm trưởng ban, bản thân sẽ cố gắng học chăm hơn để đạt học sinh giỏi năm học này. Vậy là tôi gật đầu.
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tham gia cuộc họp đại diện hội cha mẹ học sinh của các lớp với ban giám hiệu nhà trường. Tôi nghe một hồi phát biểu mà ong hết đầu, cảm thấy hoảng không biết về phổ biến lại như thế nào cho phụ huynh trong lớp thì được một bác có kinh nghiệm hướng dẫn: “Chỉ cần nhớ mỗi các khoản cần đóng góp như này, về báo lại rồi thu tiền, thế thôi”. Tôi chỉ biết vâng dạ làm theo.
Ngay tuần đầu “nhận chức”, tôi ngày nào cũng bận với nhóm Zalo lớp khi nảy sinh vấn đề là máy chiếu sắp hỏng, màn hình mờ khiến các con khó nhìn nhưng nhà trường nói chắc còn lâu mới được duyệt kinh phí để sửa. Cô giáo “mách nước” là ban phụ huynh làm đơn xin tự nguyện sửa hoặc mua máy mới để các con nhanh có đồ dùng.
Tôi đem việc này ra bàn với các phụ huynh trong lớp nhưng suốt vài ngày vẫn không ngã ngũ vì người đòi sửa, người nói đợi nhà trường, vị khác kêu gọi góp tiền mua chiếc ti vi mới thay máy chiếu vì đợi càng lâu các con càng thiệt thòi, vừa không nhìn rõ bài, vừa hại mắt.
Tôi thực sự không biết phải làm thế nào, cuối cùng may sao một bác phụ huynh “đại gia” tuyên bố sẽ tài trợ cho lớp 5 triệu đồng - một nửa số tiền mua ti vi, phần còn lại mọi người cùng góp. Nhưng vì đây là khoản không bắt buộc nên không thể chia đều, đành kêu gọi sự tự nguyện. Sau khi tổng kết, vẫn thiếu một triệu, tôi và 3 bác còn lại trong ban phụ huynh đành người 500 nghìn, người 200 nghìn góp vào cho đủ.
Cũng lại liên quan tới chiếc ti vi, vừa cuối năm học trước, lớp con tôi bị tách ra, nhiều bạn chuyển đi khi trường xây thêm một cơ sở mới. Lúc này, một số phụ huynh nêu ý kiến bán ti vi rồi để tiền cho các con liên hoan chia tay, một số góp ý để cho lớp ở lại... Cuối cùng, lại là bác “đại gia” đứng ra chốt: Tặng luôn cho trường. Nhiều người không phục nhưng cũng không dám gay gắt phản đối, vì tiền mua ti vi bác đóng góp nhiều nhất. Trưởng ban phụ huynh như tôi không dám ý kiến gì. Vì chuyện này, tôi bị chỉ trích rất nhiều.
Việc đôi khi tôi chẳng khác “bù nhìn” không chỉ xảy ra ở lớp, trước các vị phụ huynh “bạo vì tiền” mà còn trong vai trò trước nhà trường. Nhiều lần đứng lên đại diện cho lớp phản ánh các bất cập, chúng tôi thường nhận được những điệp khúc phản hồi như “nhà trường đã tiếp thu”, “đợi ý kiến cấp trên”, “đợi phê duyệt”... nhưng hầu như mọi việc không bao giờ được giải quyết.
Bị mang tiếng là “hội lạm thu” nhưng quả thật, khi ở trong ban phụ huynh tôi mới thấu, có những khoản chúng tôi không hề muốn nhưng được nhà trường “nhờ thu hộ” mà không biết làm thế nào chối. Có những thứ nếu phụ huynh không góp kinh phí để mua, sửa thì các con quá vất vả khi nhà vệ sinh hay điều hòa hỏng, thiếu quạt treo tường hoặc không có rèm khi lớp học trên tầng 3 với xung quanh toàn cửa kính…
Mỗi lần phải đứng ra hô hào thu tiền, tôi vô cùng stress, vì có khi chính mình thấy chưa thỏa đáng, nhưng vẫn phải làm, rồi lại bị nhiều người mắng là “làm tay sai cho nhà trường”.
Các thành viên trong ban phụ huynh nhiều khi cũng không đồng lòng. Đến ngày lễ Tết như 20/10, khi tôi đưa danh sách 12 cô giáo để tặng phong bao, chị phó ban phản đối vì nói rằng tổng phải là 16. Chị cho rằng, mua quà là tính theo môn, chứ không tính theo người (có một cô giáo dạy cả Vật lý, Sinh học) và phải tặng cả thầy (để thầy tặng vợ).
Tôi thấy như vậy quá vô lý nên không nghe theo. Chị dỗi, bảo: “Các lớp khác họ đều như thế. Em cứ thử đưa 12 phong bao cho cô chủ nhiệm xem, cô chả nói cho. Người ta bao nhiêu năm trong ban phụ huynh rồi, bảo cho mà biết còn cứng đầu”.
Đến nước này tôi cũng chịu thua, nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Nếu không ở trong ban phụ huynh, thể nào tôi cũng phản đối phương án này. Nhưng những việc như thế chúng tôi không nói cho toàn thể phụ huynh trong lớp biết, vì theo chị phó ban: “Đây là chuyện nhạy cảm, nói ra chỉ thêm phức tạp, bàn bạc không đi tới đâu, ghi số tiền phải chi ra là được rồi”.
Sau 2 năm làm trưởng ban đại diện cha mẹ lớp con, năm nay tôi không thể cố thêm.
Thôi tôi xin rút để ngày khai giảng hay tổng kết, trung thu được thong dong chụp ảnh cùng con chứ không phải đầu tắt mặt tối lo chuẩn bị tặng hoa, giỏ quà cho cô, cho trường hay sắm đồ để bọn trẻ liên hoan, trang trí, rồi sau vẫn bị nói “lạm chi”. Tôi muốn rút để con tôi khỏi mang tiếng vì mẹ làm trưởng ban phụ huynh nên cuối năm mới được là học sinh giỏi…
Thực lòng, tôi vẫn muốn duy trì cái “ban bệ” này. Có ban phụ huynh là có người đứng ra cùng tổ chức nhiều hoạt động cho các con có những trải nghiệm vui vẻ, gắn kết, hay giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn những chủ trương, kế hoạch của nhà trường để cùng phối hợp hoặc biết mà… phản đối. Nhưng có lẽ tôi không đủ năng lực, sự nhẫn nại hay sự chai lỳ để gánh vác trách nhiệm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, khi phụ huynh ở lớp mỗi người một phách, quá khó để tìm được tiếng nói chung.
Năm nay không trong ban đại diện nhưng tôi nhất định là một phụ huynh dễ thương và nhiệt tình hơn. Tôi sẽ không nằm trong nhóm những người “làm ít nói nhiều”, không bao giờ nhúng tay hỗ trợ lớp hay các con việc gì nhưng hơi chút là chỉ trích, thắc mắc…
Quỳnh Chi (Hà Nội)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Trưởng ban phụ huynh bật khóc vì chiếc điều hòa cuối năm học"Khi các con ra trường, dù đã thống nhất phương án thanh lý điều hòa để có quỹ liên hoan cho các con, vẫn có phụ huynh chỉ trích tôi là ‘của người phúc ta’, lấy tài sản chung của lớp để lấy lòng ban giám hiệu”, chị Dung kể lại.