Các chỉ số khác cũng tăng mạnh. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng hơn 2%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,76%.
Trước đó, chỉ số S&P 500 ghi nhận 6 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm 14,2%, trong khi Dow Jones giảm 7 tuần.
Chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi giới đầu tư đón nhận những nhận định mới nhất về lạm phát từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong một cuộc họp của Wall Street Journal rạng sáng 18/5 (giờ Việt Nam).
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng sau khi ông Powell cho biết Fed sẽ không do dự trong việc tăng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm xuống mức hợp lý.
Ông Powell cũng cho biết, Fed sẽ tiếp tục các chính sách thắt chặt cho đến khi tình trạng sức khỏe tài chính của nước Mỹ trở về mức thích hợp. Fed cho biết đã thấy lạm phát đang giảm xuống.
Chủ tịch Fed cũng cho biết, sau 2 lần tăng lãi suất vừa qua, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp tiếp (trong tháng 6) theo nếu các điều kiện kinh tế vẫn tương tự như hiện tại.
Ông Powell lặp lại cam kết đưa lạm phát tiến gần hơn với mục tiêu 2% của Fed và cảnh báo rằng điều đó có thể không dễ dàng và có thể phải trả giá bằng tỷ lệ thất nghiệp 3,6%, cao hơn mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1960.
Người đàn ông quyền lực trên thị trường tài chính cho rằng nước Mỹ vẫn sẽ có một thị trường lao động mạnh mẽ nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên chút ít. Nước Mỹ có một vài cách để nền kinh tế có thể hạ cánh mềm mại. Và công việc Fed không phải là đánh cược vào một kết quả mà là cố gắng đạt được điều đó.
Lo ngại lạm phát vẫn còn
Mặc dù cổ phiếu Mỹ tăng mạnh trở lại, một số nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu thị trường chứng khoán có thể duy trì đà tăng trong bối cảnh lo ngại rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái hay không và kêu gọi cảnh giác với các đợt tăng điểm.
Trên CNBC, Chris Senyek, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Wolfe Research cho rằng, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ , xu hướng giảm giá vẫn còn nguyên vẹn. Và tổ chức này vẫn gia tăng sự phòng thủ chắc chắn.
Một số chuyên gia khác tin rằng, các đợt tăng giá trên thị trường sẽ không kéo dài lâu.
Chuyên gia Chris Murphy đến từ Susquehanna cho biết, nhìn vào một vài trường hợp tương đồng trong lịch sử, mức tăng lần này có thể kéo dài một hoặc hai tuần và tăng thêm vài phần trăm nữa mặc dù mọi thứ dường như diễn ra nhanh hơn nhiều trong những ngày này do tốc độ của công nghệ, luồng thông tin và tiếp cận thị trường.
Nền kinh tế Mỹ suy giảm 1,4% trong quý I/2022 do những hạn chế nguồn cung, sự lan rộng của biến thể omicron Covid và cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái mạnh hơn và đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trên Phố Wall. Bên cạnh 2 đợt nâng lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản vừa qua, Fed cũng đã tạm dừng chương trình mua trái phiếu hàng tháng và sẽ bắt đầu cắt giảm một số tài sản trong số 9 nghìn tỷ USD bắt đầu từ tháng tới.
Powell cho biết ông vẫn hy vọng Fed có thể đạt được mục tiêu lạm phát của mình mà không làm nền kinh tế sụp đổ.
Ông nói thêm rằng "có thể có một số khó khăn liên quan đến việc ổn định lại giá cả trên thị trường" nhưng cho rằng thị trường lao động nên được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức lương cao hơn.
Trước đó, khi trả lời Marketplace, ông Powel cũng đã cảnh báo việc kiểm soát lạm phát có thể gây ra một số khó khăn về kinh tế nhưng đây vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông. Và ông không thể cam kết về việc hạ cánh mềm nền kinh tế khi Fed tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng giá đang ở gần mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
Mục tiêu số 1 trong nhiệm kỳ mới của ông Powell chính là kiểm soát lạm phát giá cả. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn chút ít mức đỉnh hơn 40 năm được công bố hồi tháng 3 (8,5%).
Hồi đầu tháng 5, Fed đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản sau đợt tăng 25 điểm hồi tháng 3.
Ông Powell đã bị chỉ trích nhiều vì Fed đã trì hoãn tăng lãi suất và tạm dừng chương trình thu mua trái phiếu do dự đoán sai lạm phát tăng cao “tạm thời”.
M. Hà