Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Theo đó, ACB đã phát hành 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Qua đó, ACB đã nâng số cổ phiếu lưu hành từ 3,38 tỷ lên 3,88 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ được nâng lên 38.840,5 tỷ đồng.
Trước đó, ACB thông báo, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25% là 2/6.
Trong đó, ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới) và cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 1.000 đồng).
Tính đến tháng 1/2023, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - có trong tay 115,74 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng chiếm tỷ lệ 3,43%). Như vậy, với mức chi trả cổ tức trên, ông Huy nhận thêm 17,4 triệu cổ phiếu và 115,7 tỷ đồng tiền mặt.
Sau khi nhận thêm cổ phiếu, ông Trần Hùng Huy sở hữu hơn 133 triệu đơn vị. Nếu chiếu theo mức giá cổ phiếu ACB đóng cửa ngày 9/6 đạt 21.550 đồng/cp, số cổ phiếu của ông Huy đang nắm giữ có giá trị gần 2.868 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, thu nhập lãi và các khoản thu nhập khác của ACB đạt hơn 13.200 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 4.135 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - một đại gia ngân hàng kỳ cựu và là một trong những người sáng lập Ngân hàng ACB.
Chủ tịch Trần Hùng Huy vừa gây bão mạng xã hội sau khi trình diễn khả năng vừa đàn, hát, vừa thể hiện vũ đạo trên sân khấu như một nghệ sĩ chuyên nghiệp trong đêm Gala kỷ niệm 30 năm thành lập ACB.
Màn biểu diễn được chia sẻ mạnh trên mọi nền tảng truyền thông, khiến người làm marketing phải thốt lên "team marketing cày cả tháng không bằng chủ tịch ACB hát một đêm".
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* SDT: CTCP Sông Đà 10 công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 29/6), với mục tiêu có lãi trong năm 2023. Trong đó, SDT đặt kế hoạch với doanh thu hơn 933 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hơn 12 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ.
* OGC: CTCP Tập đoàn Đại Dương đặt kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, với doanh thu thuần 1.218 tỷ đồng và lãi sau thuế 142 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 17% và 141% so với thực hiện của năm 2022.
* PLX: Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới công bố, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đặt mục tiêu doanh thu 2023 là 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm trước; lãi trước thuế gần 3.230 tỷ đồng, tăng 42%.
* TAR: Ngày 29/6, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu 3.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt đi ngang về doanh thu và giảm gần 34% về lợi nhuận.
* DTL: Tại ĐHĐCĐ sắp tới, CTCP Đại Thiên Lộc sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch có lãi sau 1 năm lỗ nặng. Theo đó, HĐQT đề ra kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 1.600 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả năm 2022; mục tiêu lợi nhuận đạt 4 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 153 tỷ đồng.
Thông tin giao dịch
* NED: Ông Trần Văn Huyên - Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu NED với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu công ty.
* GID: CTCP Dệt may Gia Định cho biết sẽ thoái hết vốn tại CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) và tiếp tục thoái bớt vốn tại CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (LGM).
* DHP: Chủ tịch HĐQT – ông Hoàng Thanh Hải của CTCP Điện cơ Hải Phòng đăng ký mua vào hơn 1,3 triệu cổ phiếu, thời gian kết thúc giao dịch dự kiến ngày 11/7.
* PRT: ông Nguyễn Văn Thiền – Thành viên HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP đã đăng ký thoái toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương 0,5% vốn của công ty.
* CET: Sau khi ghi nhận những phiên tăng trần của cổ phiếu CET, nhiều cổ đông lớn của CTCP HTC Holding đã có động thái bán bớt số cổ phiếu đang nắm giữ. Trong đó, 2 cổ đông lớn là bà Lê Thị Tuyết Vân và ông Huỳnh Tấn Thọ đã lần lượt bán ra 1,23 triệu cổ phiếu (20,33%) và 70,000 cổ phiếu. Tiếp đến, ông Trần Hoàng Cường đã bán ra 542.135 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,97% xuống còn 15,01%.
VN-Index
Khép lại phiên giao dịch ngày 9/6, VN Index tăng 6,21 điểm lên mức 1.107,53 điểm. HNX Index tăng 0,82 điểm lên 227,6 điểm. UPCoM Index tăng 0,17 điểm lên 84,19 điểm.
Công ty Chứng khoán BSC dự báo, VN-Index kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm tốt từ tháng 5/2023 để quay trở lại vùng 1.100 - 1.150 điểm cùng thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Khối ngoại tích cực hơn sau khi bán ròng liên tiếp 2 tháng gần nhất đặt trong bối cảnh thế giới không có các sự kiện quá tiêu cực.
SSI Research nhận định, trong xu hướng tăng và dòng tiền năng động xoay vòng nhanh. Cơ hội mở rộng với nhà đầu tư ngắn hạn ở các mã hoàn thành quá trình điều chỉnh cũng như có tín hiệu kỹ thuật tốt.
Với nhà đầu tư trung hạn, SSI cho rằng chiến lược phù hợp là theo dõi những cổ phiếu có nền cơ bản tốt, có câu chuyện và tận dụng các những nhịp điều chỉnh trong xu hướng chính của thị trường là tăng để gia tăng tỷ trọng.