Chiều 8/9, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bão Yagi (bão số 3) là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố). Bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là miền núi phía Bắc vốn đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7-8 vừa qua.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bão đã gây mưa rất lớn ở Bắc Bộ như: Vàng Danh (Quảng Ninh) 346mm; Hòn Dấu (Hải Phòng) 291mm; Phủ Dực (Thái Bình) 446mm; Tiền Hải (Thái Bình) 387mm; Kỳ Sơn (Hoà Bình) 384mm; Thượng Cát (Hà Nội) 250mm; Nậm Xây Luông (Lào Cai) 601mm; Pú Dảnh (Sơn La) 467mm; Phình Hồ (Yên Bái) 438mm.
Tính đến 14h chiều nay, bão Yagi đã làm 14 người chết, trong đó do bão 8 người; sạt lở đất 6 người và 1 người mất tích do lũ cuốn tại Bắc Giang; 220 người bị thương.
Bão cũng đã làm 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
17 tỉnh miền Bắc có nguy cơ sạt lở cao
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo đến sáng mai (9/9), tâm mưa là Tây Bắc Bộ với lượng phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm; từ sáng 9/9 đến sáng 10/9 mưa 50-120mm, có nơi trên 200mm.
Đông Bắc Bộ mưa ít hơn nhưng vẫn 20-50mm, có nơi trên 100mm, riêng vùng núi Đông Bắc mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 250mm. Từ sáng mai, khu vực này mưa giảm còn 30-60mm, có nơi trên 120mm.
Do mưa lớn, nhiều nơi ở miền Bắc độ ẩm trong đất đã ở mức bão hòa, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở 17/25 tỉnh miền Bắc, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang và TP Hải Phòng.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.