

Ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu dù mới tiếp cận thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn, nhưng đã nhanh chóng tạo ra tác động đáng kể đến thị trường. Ảnh: Minh họa.
Cuộc chiến thuế quan giữa các cường quốc
Rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng. Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao thứ hai, lên tới 46%, chỉ sau Campuchia. Mức thuế này được cho là có thể “chặn cửa” nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực điện – điện tử, dệt may, da giày và nội thất.
Bên cạnh Việt Nam, Mỹ cũng áp thuế 34% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa tương ứng. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định họ sẽ "chiến đấu đến cùng". Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận mức thuế lên đến 104% đối với một số hàng Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực vào 5h sáng ngày 8/4.

Ở góc độ phân tích, ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT – nhận định Trung Quốc đã vượt xa vai trò một nhà máy gia công cho phương Tây. Họ không chỉ mua lại nhiều công ty công nghệ Mỹ như IBM Thinkpad (nay thuộc Lenovo), Motorola Mobility, GE Thiết bị (thuộc Haier), Smithfield Foods, Ingram Micro…, mà còn xây dựng các thương hiệu toàn cầu như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo, TikTok, Alibaba, Tencent, Baidu, JD, Shein, Temu và BYD. Gần đây nhất là DeepSeek – một hệ AI tổng quát gây chấn động toàn cầu, đủ sức ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán Mỹ.
Ông Bảo dẫn lời các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, trong khi Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất thì Trung Quốc đã trở thành siêu cường sản xuất duy nhất với năng lực sản xuất đạt đến tầm vóc đáng kinh ngạc.
Việc Mỹ áp thuế 104% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỗi bên đều sở hữu những “quân bài” chiến lược, phản ánh rõ nét sức mạnh nội tại và tham vọng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng điện tử Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam
Sau khi Mỹ chính thức áp mức thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước như Viettel, VNPT nhận định chính sách này gần như không gây tác động trực tiếp đến họ. Thay vào đó, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng các ngành nông sản, dệt may, da giày… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng việc Mỹ tăng thuế mạnh với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến lượng lớn hàng hóa từ quốc gia này dịch chuyển sang các thị trường khác – trong đó có Việt Nam.
Thực tế, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu dù mới thâm nhập thị trường Việt Nam chưa lâu, nhưng đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong nhiều kênh để hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Quyền – Chủ tịch VNPT Technology – cảnh báo: “Sau chính sách áp siêu thuế của Mỹ, có thể sẽ xảy ra làn sóng dịch chuyển mạnh các mặt hàng điện tử Trung Quốc vào thị trường Việt Nam nhằm thu hồi vốn. Tôi lo ngại khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bán tháo, bán bằng mọi giá, gây xáo trộn lớn đến thị trường trong nước.”
Ông Quyền nhấn mạnh đây là vấn đề mà cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc, để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa đứng vững trước những áp lực từ bên ngoài.