Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 26/2 cho biết, mới cứu sống người bệnh H.V.Đ, 54 tuổi bị sốc mất máu do viêm tụy cấp biến chứng hoại tử động mạch lách.
Ông Đ. được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) lên bệnh viện tỉnh, với dấu hiệu ban đầu là đau bụng dữ dội vùng quanh rốn. Trước đó 2 tuần, ông đã bị viêm tụy cấp.
Vào viện, ông Đ. đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn không nôn, da, niêm mạc rất nhợt, tim nhịp nhanh; huyết áp xuống rất thấp (70/40mmHg), dấu hiệu phản ứng thành bụng khắp bụng.
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn chưa loại trừ sốc giảm thể tích, theo dõi viêm tụy cấp hoại tử. Bệnh nhân được đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt Artline theo dõi huyết áp liên tục, truyền máu cấp cứu, bù dịch, thuốc vận mạch.
Khi huyết áp tạm thời ổn định, người bệnh được chụp CT ổ bụng có tiêm thuốc cản quang dựng hình mạch máu ổ bụng, kết quả cho thấy hình ảnh thoát thuốc cản quang ra ổ bụng, theo dõi tổn thương động mạch lách.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Khoa Ngoại tổng hợp đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh bằng phương pháp kẹp động mạch lách, lấy phần đuôi tụy bị hoại tử.
Viêm tụy cấp biến chứng hoại tử động mạch lách là một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu; vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn. Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này, men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương, viêm hoại tử, đe dọa tính mạng.
Viêm tụy cấp thường diễn ra đột ngột trong thời gian ngắn, cần điều trị kịp thời vì có thể tạo ra “cơn bão cytokine” - phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể khi dịch tụy tràn ra ngoài tụy, đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng… Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan ngoài ổ bụng.
Viêm tụy cấp hoại tử thường có tiên lượng rất xấu, không ít người bệnh chịu biến chứng nặng nề, diễn tiến suy đa cơ quan và tỉ lệ tử vong cao khoảng 20-50%. Hầu hết (80%) các trường hợp viêm tụy hoại tử nặng phải điều trị, chăm sóc đặc biệt, thời gian kéo dài có trường hợp lên tới vài tháng.
Theo ThS.BS Lê Văn Quý, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, viêm tụy cấp do nhiều nguyên nhân như: Lạm dụng rượu bia (nguyên nhân chính dẫn đến viêm tụy cấp), tăng triglycerid máu, sỏi mật; chấn thương dập vùng tụy, rối loạn chuyển hóa, bệnh tự miễn...
"Người bệnh có tiền sử viêm tụy cấp rất dễ tái lại", bác sĩ Quý cho biết. Các biến chứng của bệnh thường tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao như nhiễm trùng huyết, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, hoại tử nhu mô tụy, giảm thể tích,…
Sau các dịp nghỉ lễ, Tết, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp là nam giới, độ tuổi trung bình là 30-40, khởi phát đau sau khi uống rượu bia.
Do đó, bác sĩ Quý khuyến cáo người bệnh khi thấy các triệu chứng như đau bụng dữ dội, đột ngột vùng trên rốn, quanh rốn, đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên, thường xảy ra sau khi dung nạp quá nhiều chất đạm, mỡ hoặc uống rượu bia; chướng bụng, buồn nôn, nôn... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.