Ngày 28/11, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT đã trải nghiệm mua vé online trên website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Sau khi không thể mua vé, như hàng trăm nghìn người hâm mộ khác, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, VFF đang sử dụng phần mềm tệ nhất trong tất cả phần mềm mà ông từng sử dụng suốt 34 năm qua, thậm chí đến sinh viên năm 3 cũng không làm ra phần mềm tệ đến thế.
Vị Phó Tổng giám đốc FPT cho biết, ông không bức xúc về sự quá tải của hệ thống và cũng không bức xúc về việc không mua được vé xem bóng đá, bởi ông biết rằng số người truy nhập quá lớn tại một thời điểm cũng như nhu cầu mua vé đã vượt quá xa số vé bán ra.
Theo ông Bảo, hệ thống bán vé online của VFF dở vì tính năng đơn giản nhất của hệ thống bán vé điện tử là thông tin về số vé được bán, đã bán, đang bán và chưa bán không hề có, hơn nữa khi mà có rất nhiều cách để giảm quá tải thì VFF lại chọn cách dở nhất, nên nó không những không giảm quá tải mà còn làm tăng quá tải.
Ông Bảo tin rằng, có 9 điểm có thể thay đổi để website bán vé tốt hơn và người hâm mộ đỡ cảm thấy bức xúc:
1. Có thông báo rõ ràng, minh bạch ở góc màn hình các thông tin sau:
- Tổng số vé trên SVĐ Mỹ Đình (ví dụ 40.000 vé)
- Tổng số vé đối ngoại (quan chức, nhà tài trợ, quốc tế) (ví dụ 10.000 vé)
- Tổng số vé cho đội khách (ví dụ 5.000 vé)
- Tổng số vé bán online (ví dụ 25.000 vé)
- Tổng số vé đã bán (tăng theo thời gian)
- Tổng số vé chưa bán (giảm theo thời gian)
2. Có thông báo rõ ràng các thông tin sau về số người mua vé online ở góc màn hình:
- Tổng số người đang truy nhập
- Tổng số người đang làm thủ tục đăng ký mua vé
- Tổng số người đang làm thủ tục thanh toán
- Tổng số người đã mua được vé và tổng số vé đã bán ra
3. Tổng số vé đã bán, tổng số vé còn lại là bao nhiêu phải thống nhất giữa hệ thống bán vé và thông tin thông báo ra công chúng.
Thực ra về bản chất thì chỉ có hệ thống phần mềm mới biết chính xác là đã bán bao nhiêu vé, còn bao nhiêu vé, chứ không thể để lãnh đạo VFF ra thông báo là vẫn còn 9.000 vé chưa bán, vẫn còn 5.000 vé chưa bán như đã làm. Lãnh đạo VFF làm sao mà biết còn bao nhiêu vé, trong khi hệ thống có lại không thông báo công khai trên mạng cho người dùng.
4. Việc để người đã chọn xong loại vé, giá vé, phương thức thanh toán, phương thức nhận vé, thông tin cá nhân, địa chỉ nhận vé xong, đến phần thanh toán lại không thanh toán được là thiết kế cực dở, nó giống như người xếp hàng mua vé, đã vất vả xếp hàng, đã lấy được vé, vé đã điền tên trên vé mà đến quầy thanh toán không nộp được tiền vậy.
5. Không thể có hiện tượng mới chỉ xong phần đăng ký mua vé, chưa thanh toán tiền xong, hệ thống bị lỗi mà đã bị coi là mua rồi, cấm mua vé (đây là lỗi ngớ ngẩn nhất).
6. Không cần đăng ký phương thức nhận vé, địa chỉ nhận vé khi mà việc mua vé chưa hoàn tất (chưa thanh toán tiền). Việc ấy nên để người mua đăng ký tiếp vào ngày hôm sau, khi hệ thống đã kết thúc việc bán vé. Với một hệ thống quá tải thì nên tách việc mua vé, thanh toán với việc nhận vé, gửi vé riêng. Làm như vậy vừa phân tải, bớt tắc nghẽn mà người mua đỡ bức xúc vì phải khai báo quá nhiều thông tin mà vẫn không mua được vé.
7. Có đồng hồ thời gian thông báo là hệ thống đang xử lý cái gì (chờ vào hệ thống, chọn vé, thanh toán) chứ không để hệ thống nằm im như đang treo máy hàng phút.
8. Việc chống hacker mua vé tự động có nhiều cách, cách dùng hàm cùa Google để kiểm tra người hay robot truy nhập hệ thống là cách chọn dở nhất. Đừng đổ lỗi cho Google, Google viết ra không phải chuyên cho hệ thống bán vé, không dành cho người không biết tiếng Anh. Cá nhân tôi cho rằng modul này nên tự lập trình và dùng 100% tiếng Việt. Việc tự làm modul này là dễ, không khó lắm.
9. Nếu tuyệt vời hơn thì phần mềm bán vé online có thêm các chức năng sau:
- Chọn vé theo khán đài, cửa, hàng, số ghế
- Có sơ đồ chỗ ngồi trên sân vận động
- Có tô màu những ghế đã bán, những ghế chưa bán.
"Đừng đổ lỗi hết cho người viết phần mềm, bởi một hệ thống phần mềm bao giờ cũng là sản phẩm chung của chủ đầu tư và những người xây dựng ra hệ thống phần mềm ấy", ông Bảo kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ