Tôi và Diệp Anh cưới nhau được 3 năm thì dứt khoát ly hôn. Thực ra nếu phải tìm lý do để giải thích cho kết thúc này, quả thật tôi không biết phải gọi tên mâu thuẫn giữa chúng tôi là gì.
Không to tiếng, không cãi vã, cứ thế mà lặng lẽ rời xa. Có lẽ, vì cái tôi quá cao của mỗi người khiến chúng tôi dần có khoảng cách về mặt tâm hồn và rời xa nhau bởi những rạn nứt khó cứu vãn.
Sau chia tay, con trai 14 tháng tuổi do vợ nuôi, còn tôi lo chu cấp cho con đều đặn. Diệp Anh khá thoải mái trong việc thăm nuôi con nên tôi thường xuyên sang nhà vợ cũ chơi cùng con. Thời gian đầu sau ly hôn, tôi nghĩ mình ổn nhưng khá nhanh sau đó, tôi nhận ra hình như tôi vẫn còn yêu vợ cũ rất nhiều.
Đi đâu làm gì, tôi cũng nhớ tới cô ấy. Tôi nhớ cách cô ấy nói chuyện với tôi, nhớ cả những lời trách mắng của cô ấy khi tôi không biết tự lo cho bản thân, giữ gìn sức khỏe. Tôi nhớ giọt nước mắt của cô ấy khi chúng tôi rời khỏi tòa án, dù cô ấy đã quay đi rất nhanh.
Bữa nay tôi ốm, toàn thân đau nhức vẫn phải tự mình mua thuốc về uống, cảm giác tủi thân tràn ngập trong lòng. Nếu có Diệp Anh ở bên, chắc giờ này, tôi đang được ăn cháo cô ấy nấu, được nhăn nhó làm nũng, nghe cô ấy càu nhàu ép ăn. Bỗng nhiên, tôi thấy nhớ ngày xưa da diết.
Chúng tôi từng có tình yêu đẹp như tiểu thuyết, trải qua nhiều khó khăn mới có thể về chung một nhà. Giỏi giang, độc lập, có chính kiến và cá tính mạnh mẽ nên ngay trong thời kỳ đang yêu, chúng tôi không ít lần vấp phải tranh cãi, giận hờn. Nhưng vì tình yêu lớn nên chúng tôi vẫn trở về bên nhau.
Trong quá trình chung sống, cá tính của hai con người có cơ hội va đập vào nhau mỗi lúc một nhiều, nhất là quãng thời gian sau khi có con. Ví dụ, chỉ có một việc tôi muốn nhờ mẹ sang chăm con cho chúng tôi, vì bà vốn là nhà giáo, tôi tin rằng sẽ không có ai chăm con tốt hơn bà.
Diệp Anh đồng ý với điều đó, nhưng cô ấy có quá nhiều nỗi lo vì từng chứng kiến bài học từ những gia đình khác, chỉ bởi khác biệt trong cách chăm con của hai thế hệ mà thành nỗi bất hòa. Trong khi tôi cho rằng, cô ấy suy nghĩ quá nhiều, quá phức tạp, Diệp Anh lại thấy tôi vô tâm.
Xưa giờ, Diệp Anh rất yêu quý mẹ chồng. Nhưng quan điểm của cô ấy là nếu mối quan hệ đang ổn thì tốt nhất nên tránh, đừng đợi mâu thuẫn xảy mới tìm cách sửa chữa. Việc chăm con, cô ấy tự tin có thể làm.
Đàn ông chúng tôi vốn nhìn nhận vấn đề theo hướng giản đơn nên khi nghe cô ấy nói vậy, tôi không mấy bận tâm. Mẹ sang ở cùng chúng tôi, cả nhà tập trung lo cho đứa trẻ chẳng phải rất tốt sao? Tuy nhiên, mẹ tôi là nhà giáo, bà khá kỹ tính, đưa ra nhiều quy định yêu cầu tôi và Diệp Anh tuân thủ. Quan điểm về chuyện nuôi dạy trẻ con của bà cũng rất khắt khe.
Diệp Anh là con dâu ngoan, cô ấy nghe lời, không cãi tiếng nào. Nhưng cô ấy bị áp lực, mà tôi không đủ tinh tế, không để ý tâm tư của cô ấy nên mặc dù giữa chúng tôi không xảy ra cãi vã, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng không hề sứt mẻ, mối liên kết giữa chúng tôi vẫn trở nên bất ổn.
Sự không chia sẻ, không gần gũi cứ ngày một len lỏi. Cho đến khi cô ấy trở nên lặng lẽ, hạn chế chuyện trò, tránh mọi va chạm, tới lượt tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Đến một lúc buộc phải ngồi nói chuyện, không phải để cùng nhau cố gắng mà để nói rằng, chúng tôi không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa.
Bây giờ, ngồi một mình nghĩ lại mọi chuyện, tôi cảm thấy tiếc nuối vì chúng tôi không chịu chia sẻ và cố gắng hàn gắn những nứt vỡ. Khi tức giận, người ta có thể quên đi hết điều tốt đẹp từng dành cho nhau, chỉ muốn nhanh chóng rời xa, nhanh chóng chấm dứt.
Ngày quyết định ly hôn, Diệp Anh nói với mẹ tôi rằng, cô ấy có lỗi vì đã không giữ gìn được cuộc hôn nhân này. Nhưng cô ấy luôn coi bà là mẹ và hứa sẽ thường xuyên đưa cháu về chơi với bà. Càng nghĩ, tôi càng hối hận vì đã ích kỷ, không biết đặt mình vào vị trí của cô ấy, suy nghĩ cho cô ấy.
Đột nhiên, tôi không muốn giữ sự cố chấp trong lòng nữa, lập tức cầm điện thoại gọi cho cô ấy. Đã rất lâu, chúng tôi không gọi điện cho nhau. Trong lúc điện thoại đổ những hồi chuông dài, tay tôi run lên, không rõ vì sốt cao hay vì hồi hộp.
Rất lâu Diệp Anh mới nhấc máy, giọng gấp gáp: "Xin lỗi, em không để ý điện thoại. Cô giáo báo con bị ốm nên em đang vội về đón con". Mồ hôi tôi tuôn ra ướt đầm cả áo, trí não tỉnh táo lạ thường, tôi vội nói: "Vậy em đi đi, anh ra đó luôn cùng".
Khi tôi tới nơi, đã thấy Diệp Anh ôm con, đứng hỏi han cô giáo. Nhìn mặt tôi nóng bừng, Diệp Anh nhận ra ngay sự khác lạ. Cô ấy theo thói quen đưa tay lên áp vào trán tôi như ngày xưa rồi thốt lên: "Anh cũng sốt rồi. Thôi về nhà em chăm luôn".
Nhìn vợ nhẹ nhàng thay khăn ấm trên trán hai bố con rồi quay ra nấu ăn, tôi chợt thấy mình yếu đuối đến muốn khóc, không kìm được mà bước về phía cô ấy, ôm chặt cô ấy từ phía sau lưng. Tôi chỉ muốn nhắm mắt lại để giữ khoảnh khắc ấm áp, bình yên này mãi mãi: "Diệp Anh, xin lỗi em".
Theo Dân trí