'Em có muốn nổi tiếng như Phương Thanh không?'
- Trước thềm liveshow kỷ niệm 25 năm hát, chị nghĩ vì sao tiếng hát "Sầu nữ" chinh phục giới chuyên môn lẫn dân nghe nhạc Hi-end lại không có vị trí tương đương trong đại chúng?
Tôi được hỏi câu này nhiều rồi nhưng ngoài kia còn vô số giọng ca hay chưa nổi tiếng, đâu chỉ mỗi bà Hương Giang.
Mùa giỗ Tổ nghiệp vừa rồi, tôi làm mâm cúng tại nhà và nói: "Ngoài giọng hát và cái đầu xử lý bài, ông chẳng cho con thêm cái gì nữa".
Trở thành ngôi sao cần rất nhiều yếu tố, bạn nhìn tôi xem: xấu, sinh ra trong gia đình hưu trí không có tài lực lại không biết cách giao tiếp, tạo mối quan hệ.
Năm 1997, anh Nguyễn Nam hỏi: "Em có muốn nổi tiếng như Phương Thanh không?" (cố nhạc sĩ Nguyễn Nam đỡ đầu, lăng-xê Phương Thanh nổi tiếng - PV) nhưng tôi cười cho qua chuyện vì sắp tốt nghiệp đại học, không định theo nghề này.
Nổi tiếng luôn có cái giá, tôi có gì để trả? Tôi không có tiền, trả bằng chuyện "trai gái" càng không!
Có lẽ tính cách chiếm một phần nguyên do. Tôi hát trước hết để thỏa mãn mình, không biết sân si, chạy chọt và thực tế chưa bao giờ xin hát trong 25 năm qua.
Hát mãi không nổi tiếng, tôi chạnh lòng nhưng vui nhiều hơn vì gặp không ít may mắn. Mỗi lần tôi định làm gì đó, rất nhiều người đến góp một tay "chỉ để thấy Hương Giang cười", như một khán giả đặc biệt tài trợ toàn bộ kinh phí làm liveshow Một nửa sắp tới.
Tôi không hề nổi tiếng nhưng là nghệ sĩ chân chính - hiểu theo nghĩa chỉ tập trung làm nghề, sống bằng nghề và không "tăm tia" giá trị khác.
Vài lần, tôi nghe lại những clip hát thời trẻ, chỉ muốn chôn vùi tất cả. Một người vừa xấu, vừa thiếu nữ tính, hát ông ổng như sân khấu hát với nhau lại có thể "vớt" giải Nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Đồng Nai, giải Ba Tiếng hát truyền hình TP.HCM?
Tôi đi hát được khán giả thương, đặt cho nhiều biệt danh nhưng chỉ nhận làm "Sầu nữ". Một ông bạn thân MC gọi "Nữ hoàng phòng trà", tôi yêu cầu dẹp ngay.
- Cuộc sống chị dạo này có gì mới?
Rất nhiều người hỏi tôi: "Cứ một mình mãi vậy à?" vì nghĩ người phụ nữ cần bờ vai dựa vào, tôi không phản bác nhưng chỉ kiên định với điều cho là đúng.
Một vài người theo đuổi song tôi chưa thể đáp lại vì nhiều lý do, trong đó có tuổi tác. Tôi không ngại cách biệt tuổi, từng yêu một cậu kém 10 tuổi suốt 3 năm trước khi cưới anh Phi Hải.
Tuy nhiên, cậu này sinh năm 1995, kém tận 21 tuổi thì không thể! Dĩ nhiên, tôi có cách từ chối để bạn ấy không tổn thương.
- Chị tự nhận không xinh đẹp nhưng vẫn hấp dẫn đầy trai trẻ đó thôi?
Tôi đoán mình có một chút khiếu hài hước chăng? (cười) Hồi yêu cậu kém 10 tuổi, tôi xấu hơn cả bây giờ lại có con gái 3 tuổi. Tôi có nhiều bạn bè nam giới, gặp ông nào cũng cười nói ồ ồ như hai thằng bạn. Vậy mà một ngày, cậu ấy thú nhận thấy bất an mỗi khi tôi nói chuyện với đàn ông.
- Hay chị mạnh mẽ quá, làm đàn ông thấy lép vế?
Tôi mạnh mẽ bề ngoài vì cuộc sống buộc phải vậy, mỗi lần yếu đuối lại cố nuốt vào trong để bước tiếp. Cách đây không lâu, tôi gặp một người bạn mà không nói gì, cứ thế nhìn lên bầu trời và khóc.
Tuổi này tôi chỉ sống vì con cái, chưa kể cả đời đã quen tự chủ. Người đàn ông không quan trọng, thậm chí nếu có càng phiền. Yêu thì vui thật, ngoài ra chẳng được gì.
Tôi từng yêu nhiều, trải qua hết cung bậc. Tôi yêu nồng cháy, cãi nhau dữ tợn nhưng lúc nào cần thì lại rất đàn bà. Hầu hết bạn trai cũ đều trở thành bạn, riêng khoản này tôi thừa nhận hơi cao tay.
Tôi ứng xử với ai thế nào tùy vào họ là loại người gì. Với người tử tế, tôi muốn phũ phàng cũng không được; ngược lại với kẻ tào lao, vô văn hóa sẽ bị cho "lên đường" thẳng tắp.
''Con cứ yêu, cứ cưới rồi nếm trải đau khổ''
- Hai con chị sao rồi?
Tôi không giỏi bày tỏ cảm xúc, nội tâm không giống vẻ ngoài. Tôi ít khi gọi điện thoại cho gia đình vì không biết nói gì nhưng sẽ xuất hiện đầu tiên để gánh vác mọi thứ khi họ gặp chuyện. Khi đi xa, tôi nhớ con chứ không nhớ chồng hay bố mẹ. Ông bà hiểu tính nên không trách, còn rất thương con.
Khi làm mẹ, tôi không để các con chịu áp lực trách nhiệm, nghĩa vụ. Nhưng có lần con gái đi chơi về trễ, biết tôi đang ngủ vẫn rón rén mở cửa nhìn mẹ một cái mới yên tâm về phòng, giống hệt tôi với mẹ mình năm xưa.
Cuộc sống của 3 mẹ con rất nhẹ nhàng, yên ấm. Các bé ngoan ngoãn và nghe lời, con gái lớn (22 tuổi) biết phụ mẹ dạy em. Trái ngược mẹ ngoài cứng trong mềm, con gái mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhiều. Có lẽ các con tự lập sớm vì thương mẹ khổ.
Tôi chưa bao giờ o ép các con làm gì. 10 tuổi, con gái khăng khăng mua một chiếc váy rất xấu, tôi đồng ý nhưng dặn: "Con cứ mặc nhưng cảm phiền cách xa mẹ 10 bước. Mẹ đẹp thế này, không thể đứng cạnh con được".
Những tình huống tương tự, tôi luôn cho con tự chọn lựa và chịu trách nhiệm với quyết định. Nếu con yêu hay đòi cưới trai đểu, chắc chắn tôi không cản. Tôi từng nói: "Con cứ yêu, cứ cưới rồi nếm trải đau khổ".
- Một mình nuôi 2 con, kinh tế gia đình có quá nặng gánh vai chị?
Suốt năm tháng đi hát, vài lần tôi tích lũy được một ít tài sản đều gặp biến cố nào đó, thành ra quay về trắng tay. Tuổi 49 đã quá trễ để mưu cầu một sự nghiệp lừng lẫy nên tôi chủ yếu kiếm tiền lo vun vén tương lai cho con út (10 tuổi).
Tôi có lỗi khi không đủ khả năng cho con trai học trường quốc tế như chị nó. Dù vậy bé nói tiếng Anh rất sõi, hơn cả tiếng mẹ đẻ.
Tôi cũng nợ con gái ước mơ trở thành nhà sản xuất âm nhạc - điều mãi gần đây mới biết. Bé học chuyên ngành kinh doanh quốc tế, làm việc tại một công ty nước ngoài để kiếm tiền học nhạc ở tuổi 22, bắt đầu từ con số 0.
Hay chuyện, tôi trách: "Mẹ không thành công nhưng đâu phải không có mối quan hệ để giúp đỡ con".
Hai con tôi có khiếu âm nhạc giống bố mẹ. Bé lớn cảm âm rất tốt dù chưa từng học nốt nào; bé út đang học chơi trống và piano, nắm bắt tiết tấu giỏi đến khó tin.
- Làm sao chị đối diện nỗi đau mất người thân liên tiếp trong 3 năm?
Cuộc sống nhiều nỗi buồn quá nên gần đây tôi loại bỏ hết chuyện không vui. Tôi xem phim hài, nghe nhạc vui, tránh xa chuyện phiền não, chỉ hát nhạc buồn.
Năm 2021, anh Phi Hải qua đời trong mùa dịch, đến nay tôi vẫn đều đặn thắp nhang mỗi ngày 2 lần, nói vài câu gì đó. Các con đi học, đi làm về vẫn chào cha như anh sinh thời.
Năm ngoái, tôi mất chị gái; năm nay mất mẹ. Tôi đau nhất khi mẹ qua đời, hơn cả nỗi đau mất chồng. Mẹ là người duy nhất trong gia đình hiểu và ủng hộ con gái theo đuổi nghệ thuật.
Ngày trước khi có chuyện vướng mắc, tôi hầu như không thể chia sẻ với ai ngoài mẹ. Tôi sẽ hát một bài tưởng nhớ bà của nhạc sĩ Vũ Minh Đức trong liveshow tới.
Nhiều người quen hỏi tôi làm sao để nói những chuyện buồn bằng giọng bình thản đến thế? Tôi không biết nữa, vì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường thật.
Hiện tại, tôi chỉ lo cho con cái. Nếu được tham, tôi ước mơ xây dựng một tụ điểm âm nhạc nho nhỏ cho các giọng ca hay đang loay hoay có thêm chỗ sống với đam mê.
Hương Giang hát 'Phố buồn' trong phòng thu của Đức Trí