Trao đổi với phóng viên VietNamNet chiều 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, việc sáp nhập 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận được thực hiện trên tinh thần tiếp nối nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, là xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tốc độ tăng trưởng 2 con số là trong tầm tay

Do đó, việc nhập tỉnh Ninh Thuận vào Khánh Hòa hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của nghị quyết để nơi đây trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm kinh tế biển và trung tâm du lịch quốc gia.

Theo ông Tuân, cả hai tỉnh đều có những điểm du lịch nổi tiếng, tầm cỡ. Đây cũng là địa phương có bờ biển dài nhất nước (490km) và có tuyến quốc lộ cũng dài nhất cả nước (210km) đi qua.

W-Khanh Hoa (8) (1).jpg
Ninh Thuận và Khánh Hòa đều là 2 tỉnh có những điểm du lịch nổi tiếng, tầm cỡ. Ảnh: Hoàng Hà

Dư địa phát triển của Ninh Thuận và Khánh Hòa trong thời gian tới có tiềm năng lớn. Cả 2 tỉnh đều là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm du lịch quốc gia và trung tâm kinh tế biển.

Chẳng hạn, tỉnh đang thành công trong nuôi trồng công nghệ cao tại các vùng biển ở 3 - 6 hải lý. Trong khi đó, Ninh Thuận lại có lợi thế về việc phát triển nông nghiệp xanh với những loại cây chủ lực như nho, táo, cây măng tây.

Các vùng này của Ninh Thuận khi kết hợp với các vùng nông nghiệp của Khánh Hòa như xoài, mít, sầu riêng sẽ trở thành một điểm sáng, cho kết quả ngay sau khi sắp xếp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số là trong tầm tay”, ông Tuân khẳng định.

Tên xã, phường mới vẫn gắn với truyền thống, văn hóa và tình cảm người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, định hướng của Trung ương, của Bộ Nội vụ cũng có nêu ra một số phương án đặt tên, trong đó có thể đặt theo số thứ tự để thuận tiện cho quá trình tích hợp quản lý sau này; hoặc đặt theo tâm tư nguyện vọng của người dân, phù hợp với văn hóa vùng miền, và cả kế thừa truyền thống các địa phương.

IMG_3A010B2C2E62 1.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Xuân Ngọc

Đối với Khánh Hòa, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân về việc lựa chọn đặt tên xã, phường và thông qua nghị quyết HĐND cấp huyện. Đến nay, 40 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đặc khu của tỉnh đều đã có những tên gọi gắn liền với truyền thống, văn hóa và tình cảm của người dân.

Ví dụ, vùng Vạn Ninh bà con muốn giữ lại những tên địa danh như: Vạn Giã, Đại Lãnh; còn thị xã Ninh Hòa thì giữ lại các xã: Hòa Thắng, Hòa Trí, Tân Định... Đó là những cái tên đã có từ những năm 1930 - 1945. Hay với Nha Trang, giờ chỉ còn 3 phường là: Bắc Nha Trang, Nam Nha Trang và phường Nha Trang.

"Tỉnh Khánh Hòa về cơ bản sẽ thông qua nghị quyết về đặt tên gọi tại kỳ họp HĐND tỉnh ngày 28 tới đây theo đề xuất của UBND tỉnh. Các tên gọi mới đều phù hợp, được cộng đồng dân cư, nhất là những người lớn tuổi ủng hộ", ông Tuân nhấn mạnh.

Về chính sách động viên, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển đi làm xa sau khi sáp nhập 2 tỉnh, ông Tuân cho biết, trước mắt tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở lưu trú để đón cán bộ công chức Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc.

z6530585679990_20fda1e80f56c05511a0b74805ff2e70.jpg
Trụ sở làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xây mới. Ảnh: Xuân Ngọc

"Chúng tôi đảm bảo tất cả cơ quan hành chính phải có nơi làm việc trong bối cảnh trụ sở làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa đang được xây mới. Trước mắt, sẽ tận dụng trụ sở UBND các phường tại Nha Trang để sắp xếp nơi làm việc cho các sở, ngành", Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có kế hoạch sửa chữa, kiểm tra lại hệ thống nhà công vụ để bố trí đúng theo chế độ chính sách. Trường hợp không đủ thì sẽ báo cáo đề xuất các cấp có thẩm quyền của tỉnh mới thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, phương tiện đi lại...

"Tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu tuyến xe buýt để cán bộ đi làm, di chuyển từ Ninh Thuận ra Nha Trang", Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thông tin.