Có khi nào bạn lên Steam để tìm kiếm một tựa game mới để chơi sau khi vừa phá đảo xong một trò chơi? Chắc hẳn lúc đó bạn sẽ phải ít nhiều đọc được những bài review về game mà mình định mua hoặc tải về nhỉ? Vậy bạn đánh giá như thế nào về những bài review đó, liệu nó có bổ ích hay không? Hãy cùng xét một vài ví dụ sau đây nhé.
Trên Steam có rất nhiều bài viết đánh giá game. Nhưng có lẽ loại tốt nhất là những bài viết dài đưa ra được ý kiến cá nhân và đánh giá một cách chuyên nghiệp, giống như một đánh giá chuyên nghiệp của một tạp chí hoặc website về game. Nó cung cấp cho bạn một cái nhìn thấu đáo cả về hai mặt tốt xấu về game mà mình lựa chọn. Những bài review loại này thường rất đáng tin cậy.
Kế tiếp là những đoạn review ngắn, nghèo nàn về ý và cực kỳ chủ quan. Như kiểu:”Good”, “Nice”, “No trading card, dislike”,…bla…bla…bla. Những bài như này thường có độ tin cậy không cao, chúng không hề cung cấp cho bạn bất kỳ thông tin cụ thể nào. Không đưa ra được luận điểm của mình thì khó lòng mà thuyết phục được người khác.
Thông thường, những loại này được gọi là review “không có tâm”. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ như kiểu rất rất rất nhiều người cùng đánh giá một kiểu. Không ít trường hợp bạn vào xem một game mà chỉ toàn thấy “Good” hoặc “Bad”. Trường hợp này, những bài viết như vậy lại thích hợp cho việc thống kê mặt tích cực - tiêu cực cho tựa game đó.
Có một kiểu review vô thưởng vô phạt, nhưng cũng mang lại sự thú vị, đó chính là những bài review vui nhộn. Những bài này thường dùng cách chơi chữ hoặc ẩn dụ để nói về những khoản hài hước trong game, hoặc đơn giản là trêu một tựa game có tiêu đề ngớ ngẩn.
Và tất nhiên không thể tránh khỏi việc nhà sản xuất game đưa clone vào để tự “nâng bi” sản phẩm của mình. Những bài đánh giá này thường rất thiên vị (rõ ràng) và không thể tin tưởng được. Tuy nhiên, các bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng nó sẽ được gắn cờ và xóa khỏi chế độ xem một cách nhanh chóng.
Và cuối cùng, để có được một cái nhìn khách quan nhất, bạn nên xem xét cả những bài review tích cực và tiêu cực. Thường thì khi tìm một game nào nó, bạn sẽ dễ dàng thấy những đánh giá tích cực hơn. Nhưng những đánh giá tiêu cực cho bạn một cái nhìn sâu sắc và tổng quát hơn về game mà bạn sắp mang về. Sau khi xem xét những mặt tiêu cực và bạn nghĩ rằng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của bản thân, còn đợi gì nữa mà không tải về và chiến nhỉ?
Nhìn chung, các bài review đánh giá trên Steam có thể nói là đáng tin cậy. Miễn là bạn chịu khó chiết lọc và đánh giá một cách khách quan nhất có thể.
Theo GameK