Những diễn biến gần đây cho thấy cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long vẫn trong vùng nhiều biến động. Trong 10 phiên gần đây, cổ phiếu HPG giảm 8 phiên và đang dần về đáy 6 tháng.

Tính trong vòng khoảng một năm rưỡi qua, cổ phiếu HPG của ông Long đã giảm tổng cộng hơn 35% từ đỉnh 34.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu tháng 3/2018 xuống gần 22.000 đồng/cp như hiện tại.

Tổng cộng vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát bốc hơi khoảng 33 ngàn tỷ đồng, trong đó nhà ông Long (đang nắm giữ khoảng 35%) cũng chứng kiến tài sản suy giảm đi khoảng 11,6 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 500 triệu USD).

Trong phiên 3/7, cổ phiếu HPG giảm 2% ngay sau khi giới đầu tư nghe tin Mỹ áp thuế hơn 450% đối với sản phẩm thép Việt có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan, sau đó chuyển qua Việt Nam để gia công không đáng kể và cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.

{keywords}
Nhà ông Trần Đình Long chứng kiến tài sản bốc hơi 500 triệu USD.

Trong phiên giao dịch 3/7, khối ngoại tiếp tục bán mạnh khoảng 2 triệu cổ phiếu HPG bất chấp cổ phiếu này vừa được lọt vào rổ chứng quyền có đảm bảo. Khối ngoại đã bán mạnh HPG trong một thời gian dài vừa qua, gần đây trung bình bị bán 1-5 triệu cổ phiếu/phiên, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong năm 2018 và đầu 2019, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đẩy mạnh bán cổ phiếu HPG và tới giữa tháng 3/2019 không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát. Việc liên tục bán ra khiến room ngoại tại HPG giảm mạnh từ trên 50% xuống chỉ còn khoảng 22% như hiện nay.

Bắt đầu từ 2018, cổ phiếu HPG có nhiều biến động nhất, tăng lên đỉnh lịch sử vào đầu năm và giúp ông Trần Đình Long lọt danh sách tỷ phú USD thế giới, rồi sau đó lao dốc mạnh trước sự rút lui của ác quỹ đầu tư lâu năm cùng với triển vọng ngành thép kém khả quan.

HPG được xem là một cổ phiếu blue-chips trên thị trường chứng khoán, với vốn và thanh khoản cao, phù hợp với các quỹ đầu tư. 

Tại ĐHCĐ 2018, HPG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu tăng 24% lên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% từ mức kỷ lục 8,6 ngàn tỷ trong năm 2018 xuống còn 6.700 tỷ đồng trong năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Sở dĩ Hòa Phát của ông Trần Đình Long đặt kế hoạch thấp bởi lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại giá thép bán ra sẽ thấp hơn trong bối cảnh giá thép thế giới được dự báo xuống thấp. Trung Quốc đã giảm thuế để thúc đấy xuất khẩu thép.

Trong khi giá bán ra có thể giảm thì giá quặng sắt tăng mạnh đầu năm 2019, từ quanh mức 65 USD/tấn có lúc lên trên 90 USD.

Nhưng một yếu tố đáng lưu ý hơn là thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại. Lượng hàng hóa đổ dồn trong các năm trước đó có dấu hiệu lên đỉnh điểm trong 2018 và 2019 và các doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu giảm phát triển các dự án mới, trừ ông lớn đầu ngành Vingroup.

Thị trường bất động sản nhiều khá năng sẽ không còn sôi động và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi mà Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Trong khi HPG đang đầu tư dự án thép khổng lồ, trị giá 52 ngàn tỷ đồng tại Dung Quất, thì hoạt động có thể bị ảnh hưởng bởi đế chế thép Formosa Hà Tĩnh vừa đi vào hoạt động, dù lỗ lớn doanh thu đã vượt xa Hòa Phát với gần 3 tỷ USD.

Giới đầu tư hiện đang kỳ vọng nỗ lực mua vào cứu giá của gia đình nhà ông Long liệu có giữ được cổ phiếu ở mức trên 20 ngàn đồng hay không. Bên cạnh đó là mảng ngành nghề mới: bất động sản công nghiệp mà HPG đang manh nha sau những tín hiệu dòng vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump căng thẳng với Trung Quốc.

Hàng loạt các cổ phiếu cùng ngành thép tôn cũng giảm giá. Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ phiên 3/7 giảm 2%; Nam Kim giảm 1,6%; VGS giảm 1,2%...

Thép Nam Kim (NKG) vừa ước có lãi trở lại hơn 20 tỷ nửa đầu năm 2019, sau khi lỗ nặng liền 2 quý trước đó. Tuy nhiên, lãi là nhờ bán tài sản. NKG vẫn đối mặt với những diễn biến khó lường của giá thép cũng như tình hình cung cầu không khả quan.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục ảm đạm. Nhóm cổ phiếu dệt may, khu công nghiệp tăng điểm giúp thị trường bớt tiêu cực. Trong khi bán HPG, Vietcombank, Vinhomes, khố I ngoại đẩy mạnh mua ròng Petrlimex, VietJet, Vinamilk.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn tích cực hơn trong các dự báo.

Theo CTCK Rồng Việt, nhịp điều chỉnh trên sàn HoSE gần như sắp kết thúc và sẽ có cơ hội tăng điểm trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý dòng tiền đi vào thị trường ở các phiên giao dịch tiếp theo có tích cực hay không, để xem xét mức độ giải ngân phù hợp trong ngắn hạn.

CTS tiếp tục cho rằng, thị trường sẽ giao dịch tích lũy quanh vùng hỗ trợ trung hạn 962 điểm đồng thời tạo nền bứt phá kênh giá giảm 3 tháng hiện tại trong bối cảnh mùa báo cáo Quý 2 đang cận kề. Dòng tiền sẽ có xu hướng phân hóa, tập trung tại các nhóm cổ phiếu có kết quả báo cáo quý 2 khả quan.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, VN-Index giảm 1,59 điểm xuống 960,39 điểm; HNX-Index tăng 0,21 điểm lên 103,67 điểm và Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 55,29 điểm. Thanh khoản đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng.

V. Minh