Túi khí trên ô tô hoạt động thế nào?
Hệ thống túi khí trên ô tô giúp giảm thiểu chấn thương khi va chạm. Ảnh minh họa: Internet |
Vụ việc một chiếc VinFast Fadil gặp tai nạn tại Hải Dương mà không bung túi khí một lần nữa lại làm dấy lên tranh cãi về hoạt động của túi khí trên các ô tô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, túi khí không phải “cứ đâm là nổ” mà phải có một số điều kiện nhất định.
Túi khí trên ô tô được sinh ra để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng khi có va chạm xảy ra. Ngày nay, túi khí là thiết bị an toàn bắt buộc trên hầu hết xe ô tô.
Về cơ bản, túi khí hoạt động theo nguyên lý khá đơn giản. Bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn (va chạm xảy ra) sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng.
Tốc độ nổ túi khí rất nhanh (thời gian chỉ tính bằng mili giây), tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực của hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe. Sau đó, túi khí sẽ tự động xả hơi nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.
Khi nào túi khí được kích nổ?
Túi khí nổ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản cơ bản nhất là lực va đập và hướng va đập |
Theo các chuyên gia kỹ thuật, không phải túi khí nào cũng được kích nổ khi xảy ra va chạm. Mỗi loại túi khí bố trí ở các vị trí khác nhau lại có một quy chuẩn hoạt động riêng để đảm bảo cho người trên xe luôn ở trong điều kiện an toàn nhất.
Việc kích nổ túi khí dựa vào nguồn thông tin mà các cảm biến đặt phía trước, trên thân xe đưa về bộ điều khiển trung tâm ECU. Khi nhận được các thông tin như gia tốc dừng, độ hấp thụ lực, độ biến dạng, xê dịch của các bộ phận cố định trên xe, ECU tính toán, phân tích nếu vụ va chạm đủ mạnh hoặc nguy hiểm đến tính mạng, túi khí sẽ bung. Việc tính toán này phụ thuộc vào từng nhà sản xuất.
Theo phân tích, thông thường túi khí nổ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản cơ bản nhất là lực va đập và hướng va đập. Hệ thống túi khí trước được thiết kế để kích hoạt ngay nhằm đáp ứng với những va đập nghiêm trọng phía trước. Thiết bị sẽ nổ nếu mức độ va đập phía trước vượt quá giới hạn thiết kế, tương đương với vận tốc va đập khoảng 20 – 25 km/h khi va đập trực diện vào vật thể. Nếu mức độ va đập thấp hơn giới hạn, túi khí phía trước có thể không nổ.
Đây chính là nguyên nhân một số trường hợp ô tô gặp tai nạn nhưng túi khí vẫn không bung. Lúc này những tính toán điện tử của xe cho thấy, chỉ cần dây đai an toàn là đủ bảo vệ người trên xe mà không cần thiết đến túi khí.
Trong khi đó, đối với túi khí bên được thiết kế để hoạt động khi xe bị đâm mạnh từ bên sườn. Khi xe bị va đập chéo hoặc trực diện ở sườn xe nhưng không ở khu vực khoang hành khách, các thiết bị này có thể không nổ.