Những ngày tháng 7, dịch Covid-19 quay trở lại với diễn biến phức tạp. Là chủ của một homestay tại TP Đà Nẵng, công việc kinh doanh của Diệp Thảo (30 tuổi) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Homestay của cô sau thời gian hoạt động cầm chừng đã rơi vào tình trạng “đóng băng" vì không có khách.

Căng thẳng tiền bạc cộng với tình trạng giãn cách xã hội kéo dài khiến Thảo có triệu chứng bị stress, mất ngủ, dễ cáu gắt...

Từ đây, Thảo bị ám ảnh trở lại chuyện tình cảm trong quá khứ. Đêm nào cô cũng dằn vặt bản thân về quyết định bỏ thai trước kia. Tệ hơn, cô luôn lo sợ mình sẽ không có cơ hội được làm mẹ nữa.

{keywords}
 

Không chịu đựng nổi sự dày vò, Thảo tìm hiểu rồi liên lạc với chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giúp đỡ.

Qua điện thoại, Thảo kể với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) rằng, hai năm trước, cô quen Vũ (35 tuổi, kiến trúc sư). Vũ là Việt kiều Mỹ, đến Đà Nẵng công tác và thuê phòng lưu trú tại homestay của Thảo.

Khi đó, ấn tượng của cô về anh là một người đàn ông lịch lãm và ấm áp với nụ cười tỏa nắng.

Cả hai nhanh chóng thân thiết với nhau, cô còn nhiệt tình nhận làm hướng dẫn viên đưa anh đi chơi, thăm thú khắp nơi.

Thời gian gặp gỡ, Thảo đã bị chinh phục bởi sự chu đáo, lãng mạn của Vũ và đem lòng yêu anh lúc nào không hay.

Đau đớn thay, sau thời gian quan hệ thắm thiết, bỏng cháy, Thảo mới phát hiện ra sự thật phũ phàng: Vũ không còn độc thân như anh nói với cô.

Vợ Vũ từ Mỹ gọi điện thoại về cho Thảo nói chuyện. Người phụ nữ tỏ ra nhẹ nhàng nhưng cũng rất kiên quyết yêu cầu cô rời xa anh để anh về với gia đình, chăm sóc vợ và con cái. Còn nếu không chị ta sẽ tung hê, bóc phốt cô giật chồng lên mạng xã hội.

Nghe xong Thảo như chết lặng. Thì ra bấy lâu nay Vũ đã lừa dối, dùng mọi thủ đoạn để chiếm lấy tình cảm của cô. Thậm chí những lần trở lại Việt Nam sau đó, Vũ còn lợi dụng vay mượn cô không ít tiền để đầu tư vào tiền ảo.

Nhưng thời điểm biết Vũ lừa dối cũng là lúc Thảo phát hiện mình đã mang thai với Vũ 2 tháng. Cô nói với Vũ, không ngờ, thái độ của Vũ ráo hoảnh khiến cho cô càng đau đớn hơn. Anh ta không yêu cầu Thảo phá thai vì làm thế là “thất đức” nhưng anh ta nói, nếu cô quyết định giữ lại em bé thì phải tự chịu trách nhiệm, anh từ chối cấp dưỡng cho con vì không có khả năng.

Sau cùng Thảo quyết định bỏ thai vì không chịu nổi sức ép từ gia đình và dư luận. Cô cũng nhanh chóng đoạn tuyệt quan hệ với Vũ. Tuy vậy, cú sốc tâm lý đã khiến cô bị trầm cảm, phải trị liệu tâm lý một thời gian.

Tưởng như ngày tháng qua đi đã có thể giúp cô hàn gắn được vết thương lòng nhưng dịch bệnh hoành hành, kinh doanh trì trệ, khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến cô nhớ lại tất cả. 

Sau khi lắng nghe tâm sự của Diệp Thảo, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói: "Ai trong chúng ta cũng có những lúc bị quá khứ làm mình thổn thức, day dứt để rồi cảm thấy ân hận, tự dằn vặt mình. Đôi khi chúng ta sẽ ước gì có thể quay ngược thời gian để làm lại từ đầu.

Nhưng quá khứ là điều không thể thay đổi cũng không thể quay lại. Vì vậy thay vì tiếp tục luẩn quẩn trong dòng cảm xúc hối tiếc, chúng ta nên học cách đối mặt và chấp nhận nó, bởi ở thời điểm ấy, đó là cái mà chúng ta muốn...

Hãy lấy nó làm bài học giúp ta hoàn thiện, trưởng thành hơn trên bước đường đời. Quan trọng là chúng ta sẽ không mắc thêm những sai lầm gây hối tiếc khác".

Chuyên gia tâm lý nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài,Thảo có biểu hiện của bệnh trầm cảm dẫn đến tình trạng không thôi hoài niệm chuyện quá khứ.

Nữ chuyên gia lên phác đồ trị liệu tâm lý cho Thảo để bảo vệ bản thân tránh rơi vào tình trạng nghiền ngẫm, đắm mình trong những suy nghĩ tiêu cực.

Theo đó, bên cạnh làm các bài tập điều chỉnh cảm xúc, mỗi buổi sáng sớm Thảo dành thời gian 40-60 phút ra ban công để tập yoga kết hợp với trị liệu ánh sáng hoặc ra ngoài đi bộ thể dục và tận hưởng thiên nhiên. Nhờ vậy tâm trạng của Thảo bước đầu có sự cải thiện đáng kể.

Nữ chuyên gia cũng lưu ý, dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành, bên cạnh những tổn thất nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế chúng ta còn phải đối mặt với việc số người bị rối loạn lo âu, trầm cảm bởi dịch bệnh Covid-19 tăng nhanh.

"Tuy vậy, ở Việt Nam vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mọi người thường cố gắng chịu đựng những đau khổ từ rối loạn tâm lý dày vò đến khi không thể chịu đựng được nữa thì mới tìm kiếm sự hỗ trợ.

Nhưng nếu bạn nhận được sự giúp đỡ từ bác sỹ, chuyên gia tâm lý càng sớm thì vấn đề của bạn sẽ càng dễ dàng giải quyết", nữ chuyên gia nói.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Tôi bắt đầu chuyến trekking đầu tiên trong đời với niềm tin “người ta làm được mình cũng sẽ làm được”. Nhờ đó, tôi vững tâm trở lại.

Linh Giang (ghi)