Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số được Bộ TT&TT phê duyệt hồi tháng 2 đã một lần nữa nhấn mạnh nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Mục tiêu Bộ TT&TT đặt ra là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Từ đó, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong lần công bố thứ nhất, Bộ TT&TT đã xác định rõ 35 nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển, với 20 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 15 nền tảng do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội. Danh sách nền tảng số quốc gia ưu tiên phát triển sẽ tiếp tục được Bộ TT&TT cập nhật, bổ sung, điều chỉnh và công bố trong thời gian tới.

{keywords}
Hướng dẫn, hỗ trợ giám sát, bảo vệ an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số quốc gia là nhiệm vụ Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin đảm trách (Ảnh minh họa)

Với quan điểm coi đảm bảo an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, Bộ TT&TT đã giao Cục An toàn thông tin chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá an toàn thông tin mạng, kịp thời phát hiện, cảnh báo, hỗ trợ khắc phục lỗ hổng, điểm yếu của các nền tảng số quốc gia.

Đồng thời, có hướng dẫn, hỗ trợ giám sát, bảo vệ an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số quốc gia; cũng như tổ chức các cuộc diễn tập về an toàn thông tin mạng để tập huấn, nâng cao năng lực bảo vệ an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số quốc gia.

Cục An toàn thông tin cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong quý II này là xây dựng văn bản hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho 35 nền tảng số quốc gia.

Liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật của các nền tảng số, theo đại diện Cục An toàn thông tin, thời gian qua, nhiều ứng dụng, nền tảng số được phát triển nhưng chưa chú trọng an toàn thông tin. Nghiên cứu của Gartner chỉ ra rằng, có khoảng 60% dự án phần mềm áp dụng quy trình DevSecOps (Phát triển - An toàn thông tin - Vận hành).

Ở Việt Nam, khoảng 90% dự án phần mềm được phát triển chưa áp dụng quy trình DevSecOps. Những lỗi sơ đẳng trong phát triển phần mềm có thể gây ra mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Có những nền tảng được sử dụng nhiều, nếu mất an toàn thông tin sẽ gây hậu quả khó lường.

Để giải quyết vấn đề trên, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp ICT thực hiện quy trình phát triển phần mềm an toàn, thay đổi từ quy trình “Phát triển - Vận hành” sang “Phát triển - An toàn thông tin - Vận hành”. Sử dụng công cụ đánh giá an toàn mã nguồn phần mềm và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng an toàn thông tin cho nhân lực phát triển phần mềm.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các nền tảng số an toàn, Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai Chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng số lớn, quan trọng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia an toàn thông tin trong và ngoài nước.

Vân Anh

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt nhận nhiệm vụ phát triển các nền tảng số quốc gia

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt nhận nhiệm vụ phát triển các nền tảng số quốc gia

Bộ TT&TT vừa công bố lần thứ nhất 35 nền tảng số quốc gia cần sớm triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ số chủ chốt của Việt Nam chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển các nền tảng này.