Là doanh nghiệp quy mô nhỏ tại tỉnh Bắc Kạn, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào dây chuyền sản xuất, thương mại điện tử đa kênh và hệ thống chăm sóc khách hàng hiện đại, năm 2022 Bắc Hà Cucurmin đã tăng trưởng doanh thu khoảng 60% so với năm trước đó. Đồng thời, đơn vị này đang xúc tiến để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài trong năm 2023.
Cũng tại Bắc Kạn, theo chia sẻ của đại diện Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), bằng việc ứng dụng công nghệ để đưa các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm – PV) bản địa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín, các hợp tác xã Nhung Lũy, Thiên An, Ngân Sơn... đều có sự tăng trưởng rõ rệt về doanh thu, mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Tương tự, với Công ty cổ phần Đại Thành Vinh, một doanh nghiệp quy mô nhỏ chuyên sản xuất nhựa, nhờ sử dụng nền tảng số có hệ thống hỗ trợ quản lý bán hàng và kế toán liên thông chặt chẽ nên việc triển khai kinh doanh mạng lưới thông suốt và nhanh chóng.
Những trường hợp trên là vài minh chứng nhỏ về các lợi ích mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đạt được nhờ chuyển đổi số. Dẫu vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để chuyển đổi hoạt động lên môi trường số, trong đó có vấn đề chi phí để đầu tư, ứng dụng công nghệ.
Là chương trình nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình SMEdx được Bộ TT&TT chủ trì khởi động từ đầu năm 2021. Các doanh nghiệp SME được tiếp cận và chọn sử dụng những nền tảng số xuất sắc do Bộ đánh giá, công bố. Điểm đặc biệt là các nền tảng số tham gia đều do doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam phát triển và cung cấp.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, Chương trình SMEdx đã có 671.469 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia. Tổng số doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số do chương trình giới thiệu là khoảng 77.000, chiếm 12% tổng số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận chương trình. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng đạt khoảng 8%.
Năm 2023 đã được Bộ TT&TT chọn là năm dữ liệu số Việt Nam. Với lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT xác định: Dựa trên kết quả đạt được năm 2022, năm 2023 tạo ra bước tiến xa hơn với việc đặt trọng tâm vào dữ liệu, làm tiền đề cho các năm tiếp theo tạo ra những giá trị đột phá cho phát triển kinh tế số nhờ khả năng làm giàu và khai thác dữ liệu.
Cụ thể, trong năm nay, cách thức tiếp cận về các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số sẽ được đổi mới, đặt trọng tâm là dữ liệu. Theo đó, bước đầu hệ thống hóa và hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ đo lường kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng hỗ trợ tới hợp tác xã, hộ gia đình…, việc triển khai Chương trình SMEdx cũng được đổi mới theo hướng hình thành hệ sinh thái các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi có khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Nền tảng số là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp SME lựa chọn các nền tảng số thuộc Chương trình SMEdx phù hợp. Các hội, hiệp hội, cơ quan, tổ chức cũng được khuyến khích phối hợp cùng Bộ TT&TT để triển khai đào tạo về chuyển đổi số, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia Chương trình SMEdx, sử dụng hiệu quả các nền tảng số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. |