Ý tưởng về việc xúc tiến để trong năm nay có thể hình thành 1 liên minh hay một câu lạc bộ của các đơn vị cung cấp các giải pháp an toàn thông tin mạng cho trẻ em, trước đó cũng đã được Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ tại tọa đàm ngày 25/5 chủ đề “Bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng chống thông tin độc hại đối với trẻ em trên mạng: Từ nhận thức đến chính sách và công nghệ”.
Đại diện VNISA cũng cho hay, với việc thành lập liên minh hay câu lạc bộ các đơn vị cung cấp các giải pháp an toàn thông tin mạng cho trẻ em, các bên tham gia sẽ phát huy thế mạnh của nhau, kết hợp với nhau hướng tới mục tiêu chung là làm sao cho Việt Nam có các giải pháp công nghệ đầy đủ, để không những bảo vệ trẻ em an toàn mà còn giúp các em có thể tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng.
Trao đổi tại tọa đàm về bảo vệ trẻ em trên mạng, các chuyên gia đều thống nhất rằng, bên cạnh việc tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng, cần thiết có các giải pháp công nghệ hỗ trợ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Anh, Giám đốc Công ty Cốc Cốc, đơn vị này đã phát triển công cụ để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em. Chẳng hạn như, khi người dùng tìm kiếm thông tin, sẽ có lựa chọn tìm kiếm an toàn, lọc bớt những nội dung không phù hợp. Ngoài ra, trình duyệt cũng có cảnh báo về những website nghi lừa đảo, có thể nguy hiểm với người dùng.
Cho biết trong năm nay Cốc Cốc có kế hoạch ra mắt trình duyệt dành riêng cho trẻ em, song ông Nguyễn Vũ Anh vấn nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bố mẹ cần để ý xem con mình đang làm gì trên mạng.
Đồng quan điểm, ông Vũ Thanh Thắng, đại diện Công ty cổ phần an ninh mạng thông minh – SCS, đơn vị phát triển các giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em cho rằng, bố mẹ là yếu tố tiên quyết để giúp bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
Từ nhận thức đó, SCS phát triển giải pháp SafeGate Family cung cấp cho cha mẹ công cụ để đồng hành cùng trẻ khám phá không gian mạng. Với giải pháp này, bố mẹ sẽ có báo cáo chi tiết về tính hình sử dụng Internet của con, biết con mình sử dụng gì nhiều nhất, có truy cập website không phù hợp lứa tuổi hay không…
“Khi nắm được tình hình sử dụng Internet của trẻ, bố mẹ sẽ có các biện pháp để hạn chế tiêu cực và phát huy các điểm tích cực. Chẳng hạn như khi phát hiện con sử dụng mạng xã hội nhiều thì có thể nhắc nhở, thậm chí giới hạn truy cập, hoặc ngăn chặn nếu con truy cập các nguồn thông tin không phù hợp”, ông Vũ Thanh Thắng cho hay.
Ở góc độ của một tổ chức đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia của Childfund Việt Nam nhận xét, một trong những khó khăn, thách thức là việc thay đổi nhận thức của chính các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh chưa để ý đến các cài đặt trong điện thoại, máy tính của mình, không biết có bao nhiêu phần mềm, bao nhiêu ứng dụng đang truy cập vào danh bạ, kho ảnh trong điện thoại của mình. Thậm chí, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, nhiều phụ huynh chưa quan tâm, chưa biết đến những cài đặt an toàn. Hạn chế này khiến cho công tác bảo vệ trẻ em trên mạng gặp khó khăn. “Vì thế, chúng tôi khuyến khích cha mẹ tự trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ để đồng hành cùng con trên không gian mạng”, ông Đỗ Dương Hiển nêu quan điểm.
Theo ông Bùi Duy Thành, chuyên gia tổ chức World Vision, để cả xã hội chung tay vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên mạng, kiến thức nền và kỹ năng cơ bản của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em cần phải được nâng lên, chứ không chỉ giới hạn ở 1 vài nhóm, tổ chức hay địa phương.
Với mục đích thúc đẩy phát triển và cung cấp hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp về bảo vệ trẻ em tới cộng đồng, hiện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đang triển khai chương trình đánh giá sản phẩm bảo vệ và hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Hai nhóm sản phẩm sẽ được đánh giá gồm: Sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, áp dụng với các sản phẩm có chức năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Sản phẩm, giải pháp CNTT hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, áp dụng cho những sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng. |