Cơ quan điều phối Mạng lưới là Cục An toàn thông tin
Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành.
Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (gọi tắt là Mạng lưới) là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên mạng là 1 trong những hoạt động của Mạng lưới (Ảnh minh họa) |
Được Bộ TT&TT ra quyết định thành lập ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, Mạng lưới gồm 24 cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp và có tên gọi tiếng Anh là “Vietnam's Network for Child Online Protection”.
Theo quy chế tổ chức vào hoạt động đã được ban hành, Mạng lưới và các thành viên hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị thành viên; hoạt động dưới sự điều phối chung của Cơ quan điều phối.
Các thành viên của Mạng lưới có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều phối trong triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, duy trì hoạt động thông qua Ban Điều hành Mạng lưới.
Quy chế cũng nêu rõ, Cục An toàn thông tin là Cơ quan điều phối của Mạng lưới, có trách nhiệm thành lập Ban Điều hành do Lãnh đạo Cơ quan điều phối của Mạng lưới làm Trưởng ban, Tổ giúp việc và Tổ chuyên gia của Mạng lưới để tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động của Mạng lưới.
Ban Điều hành gồm đại diện một số thành viên Mạng lưới để giúp Cơ quan điều phối điều hành, phối hợp và tổ chức các hoạt động của Mạng lưới. Thường trực Ban điều hành gồm các đơn vị: Cục An toàn thông tin, Cục Trẻ em, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên. Cơ quan thường trực của Ban Điều hành Mạng lưới là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC).
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng bảo vệ trẻ em
Cùng với việc quy định cụ thể về điều kiện, quy trình trở thành thành viên Mạng lưới cũng như quy định đối với việc ngừng tham gia Mạng lưới, quyền lợi của thành viên mạng lưới, Quy chế còn hướng dẫn cách thức trao đổi thông tin trong Mạng lưới.
Theo đó, Cơ quan điều phối phối hợp với thành viên Mạng lưới xây dựng, triển khai hệ thống quản lý thành viên Mạng lưới và thiết lập các kênh thông tin trao đổi, liên lạc giữa các thành viên.
Thành viên Mạng lưới tham gia, cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý thành viên, hệ thống quản lý sự kiện, tiếp nhận thông tin và cập nhật kết quả xử lý thông tin độc hại; đồng thời tích cực đăng, chia sẻ thông tin trên các kênh thông tin của Mạng lưới.
Mạng lưới sẽ tập trung triển khai các hoạt động gồm: Thu thập thông tin về xâm hại trẻ em, thông tin về các nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng; tham gia xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em, các nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tài liệu và tổ chức các chương trình hướng dẫn, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các đối tượng trong xã hội về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; triển khai các chương trình để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
Đồng thời, tham gia đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng, công nghệ về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng; tổng hợp số liệu thống kê, theo dõi về tình hình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phát triển và tổ chức hoạt động của mạng lưới cộng tác viên về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...
Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của thành viên Mạng lưới, bao gồm trách nhiệm chung của mọi hành viên và trách nhiệm của từng bộ phận, thành viên Mạng lưới như: Ban Điều hành, Tổ giúp việc, Cơ quan điều phối (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), Cơ quan thường trực Ban Điều hành Mạng lưới (VNCERT/CC), Cục Trẻ em - Bộ LĐTB&XH, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an; Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT; Vụ Gia đình - Bộ VH&TTDL, Ban Công tác thiếu nhi – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA...
Liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình hướng tới “mục tiêu kép”: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Vân Anh
Doanh nghiệp Việt vẫn có "cửa" phát triển sản phẩm bảo vệ trẻ em trên mạng
Theo các chuyên gia, cơ hội cho phần mềm bảo vệ trẻ em “Make in Vietnam” vẫn còn. Ngoài việc cần được hỗ trợ quảng bá, điều quan trọng là sản phẩm Việt phải có tính năng tốt, dễ dùng và giá cả phù hợp.