Sen Đỏ đang thử nghiệm ra thị trường nền tảng Sendo Farm cho phép khách hàng mua sắm nông sản tận nguồn.
Sen Đỏ mong muốn cung cấp nông sản sạch từ nơi sản xuất đến trực tiếp cho người mua. Trước đây, khi cần mua rau củ, thịt cá, người dân phải đi chợ, song với Sendo Farm, người dùng chỉ cần ngồi tại nhà đặt trên ứng dụng.
Sendo Farm sẽ góp phần đưa nông sản của bà con nông dân đến với đông đảo người mua, góp phần giải quyết nạn "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Ứng dụng hiện đã thử nghiệm trong nội bộ FPT và nhận được tín hiệu tốt, hứa hẹn tiềm năng mở rộng ra toàn quốc.
Theo tìm hiểu của ICTnews, Sendo Farm hoạt động như một ứng dụng nhỏ bên trong ứng dụng Sendo. Sendo Farm là mô hình đi chợ kiểu mới, đặt hàng qua ứng dụng và nhận hàng gần nhà.
Dự án hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, hoạt động tại một số khu vực ở TP.HCM và Hà Nội. Tại TP.HCM, Sendo Farm có mặt ở Thủ Đức, quận 4, quận 7, quận 8, quận 9. Tại Hà Nội, đơn vị này đang hoạt động tại Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa.
Hàng hoá nông sản trên Sendo Farm. (Ảnh: Hải Đăng) |
Mô hình đi chợ của Sendo khá đặc biệt so với các hình thức đi chợ khác trên thị trường. Hiện nay, người dùng có thể lên “chợ” của Sendo để đặt mua rau củ quả, thịt cá, sau đó đến điểm nhận hàng để lấy hàng. Nếu tự đến điểm lấy hàng, người dùng không phải trả phí vận chuyển. Tuy nhiên, người dùng có thêm tuỳ chọn nhận hàng tại nhà, khi đó Sendo sẽ giao cho bên thứ ba giao hàng.
Phía Sendo cho hay tất cả sản phẩm được đưa lên “chợ” đều do công ty làm việc trực tiếp với các đối tác uy tín, đạt tiêu chuẩn an toàn, sau đó bán trực tiếp đến khách hàng.
Về quy trình giao hàng, Sendo cho hay, nếu người dùng đặt hàng trước 16h hôm nay, có thể nhận hàng vào 16h cùng ngày, hoặc trễ nhất vào lúc 20h ngày hôm sau. Việc giao hàng chỉ diễn ra từ thứ hai đến thứ 7.
Sendo Farm cam kết hoàn tiền cho khách hàng nếu sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Trước đây, bản thân Sendo và các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn đều mở kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, không chỉ các sàn này mà những nền tảng khác như Tiki, Lazada, Shopee cũng nhảy vào phân phối nông sản trong bối cảnh hoa quả bị ùn ứ do không có kênh tiêu thụ.
Một số sàn như Postmart, Voso sau đó có chiến lược dài hơi cùng với nông dân cả nước trong việc đưa đặc sản địa phương lên sàn, không chỉ gói gọn trong việc “giải cứu” ngắn hạn.
Chẳng hạn, trong năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Các hộ này thuộc hơn 10.600 xã, phường trên cả nước, và các hội viên Hội nông dân, chi (tổ) hội nghề nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Trước đó, năm 2021 Bưu điện Việt Nam hỗ trợ 2,7 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Hải Đăng
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Nhu cầu lớn tạo ra làn sóng mới
Nhiều địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn… đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khi nông sản bắt đầu vào vụ.