Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng giám đốc công ty phần mềm Rikkeisoft, đã chia sẻ câu chuyện thành công của doanh nghiệp này tại thị trường Nhật Bản.
Theo ông Lâm, Rikkeisoft chọn “go global” (đi ra thế giới) ngay từ đầu chứ không phải thị trường trong nước. Nguyên nhân bởi lãnh đạo Rikkeisoft đều có quá trình học tập tại Nhật Bản, do đó nhìn thấy tiềm năng phát triển doanh nghiệp tại thị trường này.
Ông Lâm cho biết người Việt rất thông minh, chăm chỉ nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, chúng ta chưa được nhìn nhận đúng vị thế của mình. Đây là điều khiến những người sáng lập của Rikkeisoft luôn cảm thấy đau đáu và từ đó nung nấu quyết tâm phải chinh phục thị trường quốc tế.
Để thực hiện điều đó, ban lãnh đạo Rikkeisoft đã quyết định chuyển công ty sang Nhật. Chỉ trong vòng 4 năm sau khi có mặt tại Nhật Bản, Rikkeisoft đã tăng gấp nhiều lần quy mô, từ 100 người lên hơn 1000 người.
Thời gian gần đây, thay vì chỉ cung cấp dịch vụ CNTT, Rikkeisoft đã tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là ở mảng giáo dục số và công nghệ Blockchain.
Hiện công ty đã có hơn 1.600 nhân sự, nhiều người trong số đó đang học tập và sinh sống tại nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của Rikkeisoft tăng từ 1,5-2 lần mỗi năm với tập khách hàng lớn chủ yếu tại Nhật Bản và thị trường quốc tế. Công ty đã có 8 chi nhánh tại ở các thành phố lớn tại Việt Nam và Nhật Bản.
Theo ông Lâm, Rikkeisoft cũng có một hệ sinh thái vườn ươm công nghệ, đầu tư vào hơn 10 startup trong nhiều mảng khác nhau để đồng hành cùng khai thác các thị trường quốc tế.
Từ năm 2022, Rikkeisoft đã thành lập một công ty riêng là Rikkei Digital để đánh vào mảng thị trường chuyển đổi số. Đây là công ty chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, Rikkei Digital đã tăng trưởng gấp 2 lần.
Chia sẻ kinh nghiệm đi ra global, ông Lâm cho rằng, doanh nghiệp Việt cần có một tinh thần và khát vọng cao. Đây là điều giúp công ty có thể tập hợp được đội ngũ nhân tài để cùng nhau vượt khó.
“Để đi ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần có sự am hiểu văn hoá, thị trường bản địa. Đây là điều quan trọng nhất để tiến ra chinh phục khách hàng nước ngoài”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự tự tin với năng lực cạnh tranh của mình. Người Việt học và làm khá giỏi, chúng ta cũng có nhiều ưu điểm như chăm chỉ, dễ thích nghi, thế nhưng lại hay có suy nghĩ tự ti. Tuy nhiên với thế hệ trẻ, điều này đã dần được cải thiện.
Phó Tổng giám đốc Rikkeisoft chia sẻ, để “go global”, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự thay đổi trong tư duy quản trị. Nhiều khách hàng Nhật đã chọn Rikkeisoft bởi công ty có hệ thống quản trị, vận hành khoa học, rõ ràng theo chuẩn quốc tế.
Theo ông Lâm, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa công ty gắn với thị trường mà mình cần chinh phục. Với Rikkeisoft, doanh nghiệp này đã xây dựng văn hóa cầu tiến và tận tâm, đó là lý do giải thích cho sự thành công trong việc chinh phục và tồn tại, phát triển ở một thị trường khó tính như Nhật Bản.