"Nóc nhà của Châu Phi" Kilimanjaro là một trong những núi lửa lớn, đồ sộ và cao nhất thế giới. Người leo cần tới sự chuẩn bị kỳ công, sự cẩn thận, sức khoẻ, may mắn và trên hết là nỗ lực phi thường. Thế nhưng, cô gái 9x bé nhỏ chưa từng leo núi – Đỗ Thị Thùy Linh lại quyết định chính phục Kilimanjaro nhân chuyến công tác dài ngày tới Tanzania – một đất nước châu Phi xa xôi nhưng hùng vĩ và tuyệt đẹp.
Quyết định lên đường
Lần đầu mình nghe tới cái tên Kilimanjaro là vào chuyến công tác đầu tiên tới Cameroon khoảng giữa năm 2017. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên tới châu lục vốn nằm trong "vùng lạ lẫm" của mình và đa số mọi người xung quanh. Khi ở Cameroon, mình đã rất muốn thử sức chinh phục Mt. Cameroon (4040m), nhưng vì một số vấn đề an ninh - ngọn núi nằm trong khu vực giao tranh và bất ổn định chính trị, nên mình đã không thể thực hiện.
Thế nhưng, niềm tin rằng một ngày nào đó mình sẽ có cơ hội khám phá những điều tuyệt vời của thiên nhiên châu Phi, và có thể cho mọi người biết về nó bằng chính những điều mắt thấy tai nghe, vẫn luôn thường trực. Rồi, mình đặt chân đến Tanzania và dự định lớn (vốn trước đây mơ hồ và đơn giản là một niềm mong ước) càng ngày càng thôi thúc hơn, khi nhiệm vụ công tác của mình dần hoàn thành và đóng được một vài phần quan trọng.
Mình nghĩ đây là một may mắn, vì ở Việt Nam, ít người nghĩ đến việc leo Kilimanjaro do nơi này khá xa xôi, và không phải ai cũng có thể sắp xếp công việc, lịch trình.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài nói chung và ở châu Phi nói riêng khá ít. Bản thân nơi mình đi đến để làm việc đã rất mới rồi. Nói một cách công bằng, chính công việc cho mình cơ hội được đặt chân đến đây. Mình vừa được làm những công việc mới mẻ, vừa được kết hợp thăm thú, tìm hiểu văn hóa bản địa. Càng đi nhiều, càng biết nhiều lại càng cảm thấy mình nhỏ bé.
Mình quyết định và chuẩn bị khá nhanh cho hành trình chinh phục "Nóc nhà của Châu Phi", gói gọn trong hai mươi ngày kể từ lúc hạ quyết tâm. Bởi mình biết, để đi được, cần quyết tâm không thay đổi và nghiêm túc, gấp rút chuẩn bị. Khi bắt đầu, mình có một chút lo lắng, bởi kinh nghiệm leo núi của mình là bằng không! Mình đã cực kỳ thận trọng. Những thông tin và kinh nghiệm leo núi Kilimanjaro mình đọc và tìm hiểu trên các diễn đàn khiến mình tự nhận thức rằng: để có một hành trình đáng nhớ và có ý nghĩa, điều cần đảm bảo trước tiên là an toàn tính mạng và sức khỏe, sau đó mới là niềm vui chinh phục và tận hưởng. Nói cách khác, mỗi người cần phải biết tự lượng sức, lắng nghe cơ thể, tìm hiểu đầy đủ và chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt.
Mình lên đường ngày 22/1/2021, sau khi đã chuẩn bị xong và tự thấy bản thân thấy sẵn sàng nhất. Hành trang gồm quần áo, đồ giữ ấm cơ thể, đồ leo núi chuyên dụng, thuốc men, một vài món vệ sinh cơ thể thiết yếu trong điều kiện không thể tắm. Và trên hết, đó là một tinh thần say mê khám phá, quyết không nhụt chí, nhưng mình cũng tự nhủ phải tỉnh táo, biết quay đầu khi cảm thấy sắp hết giới hạn của cơ thể trong môi trường, điều kiện khắc nghiệt của núi cao.
Cung đường Lemosho tám ngày
Lemosho là một trong ba cung đường phổ biến cho người leo núi Kilimanjaro. Mình chọn Lemosho sau khi ngấu nghiến vài chục trang tài liệu, chia sẻ và lời khuyên trên rất nhiều diễn đàn, trang web khác nhau của dân leo núi. Đây là cung đường tiếp cận núi từ sườn phía Tây, dần dần di chuyển theo đường bán nguyệt xuống phía Nam, tiếp đó leo ngược lên cung trung tâm nơi đặt trại cơ sở (base camp) và tiến lên đỉnh (summit).
Chọn tuyến Lemosho, mình sẽ có cơ hội đi qua nhiều vùng độ cao và thảm thực vật, phong cảnh khác nhau: rừng mưa trên núi cao, thảm xa-van núi cao và rừng lá kim, bán sa mạc, sa mạc trên núi cao và vùng hàn đới trên miệng núi đầy băng, đá và tuyết.
Lựa chọn hành trình thành kéo dài tám ngày giúp cơ thể có nhiều thời gian thích nghi với môi trường và khí hậu vùng núi cao mà mình chưa từng trải qua, cũng như để mình không bỏ lỡ bất cứ đoạn đường, thảm thực vật đặc sắc nào trên đường leo. Phải an toàn và phải vui, vì mình xác định trong đời chỉ leo núi Kilimanjaro có một lần mà thôi!
Nói về hành trình leo núi Kilimanjaro, khó thì không hẳn là quá khó, nhưng dễ thì tuyệt nhiên không. Điều khiến mình lo lắng nhất là sốc độ cao, khi cơ thể không thích ứng được với môi trường oxy thấp, áp suất thay đổi và các điều kiện khắc nghiệt khác. Tuy nhiên, nhờ tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc của người hướng dẫn, cộng thêm với sự may mắn (mà mình vẫn thường nhủ rằng Mẹ Thiên Nhiên đã rất ưu ái mình trong suốt chặng đường đi), mình đã có hành trình suôn sẻ, không ốm đau và thậm chí còn khỏe hơn cả mấy bạn Tây trắng vốn cao lớn, "chân dài" và hăm hở, có vẻ nhiều kinh nghiệm hơn mình.
Hành trình sẽ còn được nhớ mãi
Linh cùng với những những người dẫn đường và porter |
Buổi sáng nhận đoàn, ngoài hai người dẫn đường, chúng mình còn có thêm những người hỗ trợ khác làm nhiệm vụ đầu bếp, tải đồ (porter) và phục vụ trại. Họ làm việc quy củ và theo đúng nguyên tắc: ai làm việc nấy. Với mình, ai cũng là siêu nhân, khi vừa phải tải đồ nặng hơn nhiều lần khách leo (trung bình mỗi người sẽ phải tải 20kg hành lý, gồm lều trại, bàn ghế lưu động, đồ ăn, dụng cụ nấu nướng và ăn uống, nhà vệ sinh lưu động - mobile toilet, và cả rác thải của đoàn), vừa phải đi nhanh hơn khách và người hướng dẫn để kịp hạ trại trước khi khách đến điểm nghỉ.
Mình thực sự biết ơn nỗ lực, sự khích lệ và tinh thần lạc quan mà cả đội luôn dành cho nhau và cho mình. Đó là những câu chuyện về gia đình và cuộc đời của chính họ, đôi khi là câu chuyện thú vị về quãng đời gắn bó với núi, với rừng, những cái đập tay "high-five" cổ vũ trên đường và những nụ cười tươi rói xua đi mệt nhọc…
Một trong những điều mình nhớ nhất là bầu trời sao đẹp không tưởng và sâu thăm thẳm, dưới ánh trăng sát rằm chiếu vằng vặc trong cả hành trình. Quả thực, mình không biết dùng từ nào để tả về độ dày đặc của những vì sao, và camera máy ảnh của mình cũng không thể ghi lại trọn vẹn được vẻ đẹp của bầu trời ấy. Hãy tưởng tượng: khi bạn nắm những nắm cát vàng trên tay và ném lên bầu trời đêm, số hạt cát đó sẽ được đính lên bầu trời, lấp lánh và không thể đếm được. Bầu trời sao trên núi mà mình đã may mắn được chiêm ngưỡng là như vậy đấy!
Trăng trên núi, do độ cao và không bị cản trở bởi mây, mù và thứ không khí lờ nhờ, nên tròn vành hơn và sáng rõ hơn nhiều lần. Mỗi tối, mình háo hức nhìn ngắm mặt trăng và chờ nó tròn dần cho tới đêm rằm (15 âm lịch). Nhờ trăng, mình và mọi người có thể đi lòng vòng ban đêm trong trại không cần mấy tới đèn pin, có mấy bức hình thật ăn ý và lãng mạn với trái núi già ban đêm.
Kilimanjaro trong mình còn là những ngày băng rừng, vượt núi đá, là từng bước chân chậm mà chắc trên đường lên đỉnh, là thời tiết khắc nghiệt thay đổi không ngừng. Đó còn là những ngày đi qua và đi cao hơn những đám mây, trong những cơn gió núi, là những bước chân không được phép dừng lại và những đoạn đường phải dùng đến toàn bộ sức lực, ý chí.
"Leo đỉnh Kilimanjaro còn làm được, thì không gì là không thể." |
Ngày thứ sáu của hành trình, cả đoàn hạ trại tại trại cơ sở (base camp) Barafu để chuẩn bị cho đoạn leo cuối cùng dẫn tới đỉnh núi vào rạng sáng hôm sau. Khu trại được đặt ở một nơi rất dốc, khiến mình không thể nằm ngủ bình thường được. Mình nhớ như in cái nắng rát đến chóng mặt của độ cao gần 4.700m, nhưng trời lại rất lạnh vì nhiệt độ giảm sâu và gió núi lúc nào cũng rú rít như muốn giật tung những căn lều mỏng mảnh.
Xung quanh mình chỉ toàn là đá, sỏi vỡ ngổn ngang và chồng chất lên nhau như một công trường xây dựng dang dở từ cả triệu năm trước. Đống vật liệu xây dựng của thiên nhiên đó tạo nên một bề mặt khó đi nhất với mình từ trước đến nay: trơn, trượt và cực kỳ dễ ngã. Mình luôn hít thật sâu và lẩm bẩm trong đầu mỗi khi bước ra khỏi lều: "Linh, bước đi cẩn thận, nhìn ngó kỹ càng, nếu không muốn bỏ cuộc khi đã lên đến tận đây và trên hết là phải làm lại răng. Cố lên!"
Đêm ở điểm tập kết cuối cùng, trước khi lên đỉnh, đoàn có bốn tiếng để ngủ lấy sức. Gần ba tiếng trong đó, mình nằm xoay hết bên này đến bên kia, trong đầu chỉ hiện lên gà luộc nguyên con, chân giò hầm và cơ man nào là phở bò, bún thang, bún chả, nem rán, xôi xéo... Đây là kết quả của một tuần lễ ăn uống với thực đơn đi núi vốn thiếu trầm trọng thịt tươi và protein, cơ thể mình rơi vào tình trạng đói protein và thèm-thịt-thật. Mình nằm thiếp đi trong lều và tỉnh dậy lúc 10:45 đêm đó, chuẩn bị cho đoạn leo cuối cùng và cũng khó khăn nhất của cả hành trình – summit!
Hành trình không dành cho dân nghiệp dư
Rạng sáng hôm sau, mình lên đường summit. Bám theo những bước chân đều và chậm của người dẫn đường, trong ánh trăng sát rằm, mình cẩn thận lách qua từng vách đá. Quả thực, đêm đó, mỗi bước chân là một nỗ lực lớn với mình và bất kỳ ai tham gia thử thách này.
Mỗi khi nghỉ, mình không thể dừng lại quá lâu, dù thực sự rất mệt mỏi và bắt đầu da diết nhớ cái túi ngủ cùng cái lều dù ấm áp dưới xa kia. Theo đúng nguyên tắc đã thỏa thuận trước, đoàn không được đứng lại quá 30 giây mỗi khi dừng chân. Nguyên nhân là với cái lạnh càng ngày càng tiệm cận về -20 độ C cùng với những cơn gió núi không biết nể nang, mỗi giây đứng lại là một khoảnh khắc cơ thể sẽ bị cứa sâu bởi gió buốt. Cuống họng và phổi mình khô cong và tê tái đi. Từng hơi hít vào là một lần cơ thể đánh đổi oxy duy trì sự sống, lấy cái lạnh len lỏi vào theo từng hơi thở và chỉ chực chiếm lấy cơ thể mình.
Những lúc cởi găng tay để uống nước, lấy energy bars và glucose chew để ngậm, mình cảm nhận được bàn tay tê dại đi từ từ và tím tái. Chiếc khăn ống dùng để giữ ấm cổ và che miệng thấm đầy nước mũi (vốn chảy ra theo phản xạ tự nhiên trước môi trường quá lạnh và khô) dần đông cứng lại theo mỗi bước chân lên.
Cả quãng đường summit, mình không dám nhìn đồng hồ, vì sợ rằng sự sốt ruột và lo lắng về thời gian sẽ làm mình nản chí, nếu "chẳng may" phát hiện ra rằng quãng đường leo vẫn chưa đáng kể (ước tính mình phải mất bảy tiếng đồng hồ từ khi xuất phát, với tốc độ tốt và ổn định, mình mới tới được đích). Sau mỗi một phút leo, mình thở dốc ra bằng miệng khoảng một chục hơi để đẩy hết carbonic ra khỏi phổi, nhường chỗ cho oxy đang dần ít đi và rất loãng lan ra trong lá phổi.
Cô gái bé nhỏ vượt qua những đoạn đường đầy thử thách, kể cả với dân leo núi chuyên nghiệp |
Cứ như vậy, tốp của mình từ từ tiến lên đến miệng núi và điểm summit đầu tiên tên Stella Point (5756m) dần hiện ra trước mặt, cùng với mặt trăng tròn vành vạnh sát bên. Trăng tưới thứ ánh sáng kỳ ảo lên mặt băng trong lòng núi trắng xóa, khiến mình quên tất cả mệt nhọc và biết rằng nỗ lực cuối cùng cũng đưa mình đến gần đích hơn. Mình có hơi "gợn" lo lắng khi thấy một vài bóng người lảo đảo đi xuống gấp do say độ cao, một vài cậu thanh niên cũng bắt đầu ôm vách đá và nôn ọe…
Đoạn đường cuối cùng từ Stella Point tới Uhuru Peak (điểm summit cuối cùng và cao nhất, 5.895m) tuy chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng nếu quy đổi ra đơn vị thời gian thì còn cách khoảng một tiếng đồng hồ. Mình phải đi trên băng, tuyết dưới cái lạnh làm cho đồng hồ và một số thiết bị khác tự động rủ nhau đi ngủ đông từ lúc nào không biết!
Từ Stella Point lên đỉnh Uhuru, mình được chứng kiến và không thể quên được cảnh bình minh đẹp tuyệt vời mà không máy ảnh hay giấy bút nào có thể tả được. Tất cả mây trên trời dường như tập hợp thành một tấm thảm trắng muốt bồng bềnh. Sắc trắng của tấm thảm mây hòa cùng với sắc trắng lóng lánh của những bức tường băng khổng lồ trên miệng núi tạo nên khung cảnh trong trẻo, thuần khiết nhưng cũng hết sức huyễn hoặc đối với bất cứ kẻ nào chiêm ngưỡng.
Xa đằng chân trời thẳng băng, những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu thẳng lên trên trước khi mặt trời chính thức lộ diện, tạo một đường hồng rực rỡ trên nền mây trắng tinh và dần dần ló lên, ấm áp và rực sáng. Mặt trời và tia nắng lên ở ngay sau lưng nhóm người leo núi đang tiến về đỉnh Uhuru, ban phát cái xoa ấm áp, nhẹ nhàng lên lưng những con người bé nhỏ cả gan làm phiền đỉnh núi già nhưng vẫn đáng biểu dương vì đã lên tới tận đây...
Uhuru Peak (the Peak of Freedom) dần dần hiện ra, với chiếc bảng cột mốc bằng gỗ có khắc màu quốc kỳ Tanzania vẫy gọi. Mình hăm hở bước và cùng mọi người trong nhóm chạm tay vào cột mốc lúc 6h40 sáng 28/1/2021, sau suốt gần bảy giờ đồng hồ đi không ngừng nghỉ. Mình thầm tự hào khi chúng mình là đoàn thứ ba chạm tới đỉnh summit ngày hôm đó, chỉ sau mấy bạn Âu, Mỹ rất to, khỏe.
Niềm vui khôn tả khi chiến thắng những thử thách của mẹ thiên nhiên để chinh phục đỉnh Kilimanjaro |
Có được khoảng năm tới bảy phút quanh đỉnh Uhuru, đoàn mình quay đầu ngay do gió khá mạnh và nhiệt độ trên đỉnh vẫn còn rất thấp. Con đường từ miệng núi xuống trại tập kết đúng là cực hình, bởi tụi mình phải trượt dọc theo con đường phủ đầy thứ "vật liệu xây dựng của thiên nhiên" vô cùng trơn trượt và làm chân mình mỏi rũ – cảm giác mình chưa bao giờ trải qua trong đời.
Về tới trại, mình đã bật khóc khi nhận ra đã hoàn thành thử thách chinh phục đỉnh Kilimanjaro, dù biết rằng con đường đi đây xuống điểm dừng tiếp theo cần bảy tiếng đi bộ. Cung đường đó cũng vừa trơn, vừa đầy đá cuội hàng tầng, với cái lưng đau nhừ và đôi chân run lẩy bẩy.
Ngày cuối cùng của hành trình kết thúc với hơn 10km đi bộ từ trại cuối xuống cổng Mweka. Đây chính là phần thưởng cho tất cả người leo: cung đường dốc nhẹ và đi trong rừng cổ thụ tuyệt đẹp… Bạn sẽ được thư thả đi trong tiếng chim hót, tiếng những chú khỉ đuôi dài chuyền cành, tò mò nhìn mình qua tán lá, tận hưởng cơn gió rừng man mát, cộng với tiếng xào xạc của lá cây hòa âm với tiếng suối chảy róc rách... Bất cứ ai cũng sẽ cảm động trước những khung cảnh, âm thanh và bầu không khí này, đặc biệt lại là sau một hành trình đáng nhớ.
Sau những tán cây cổ thụ của rừng già, đỉnh núi Kilimanjaro phủ đầy tuyết trắng hiện ra chào mình lần cuối, vẫn là hình dung đôn hậu và dễ mến, lấp ló như đang trong trò chơi trốn tìm.
Hãy cùng xem thêm một số hình ảnh của Linh trong hành trình đáng nhớ này:
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
‘Đêm trước’ của chuyện sóng di động Viettel tới nơi sâu nhất vùng rừng rậm Amazon
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở Peru không ngừng gia tăng, những người Viettel đã đi 600km đường sông, vượt qua những cuộc biểu tình và nhiều trở ngại do rừng thiêng nước độc, để phủ sóng di động tại vùng sâu nhất Amazon.