Shipper giao đồ ăn đắt khách

{keywords}
Một shipper của Grab đợi để giao đồ ăn cho khách. (Ảnh: Duy Vũ)

Phạm Tuấn, tài xế GrabBike tại Hà Nội vừa giao xong một đơn hàng cơm gà cho khách. Khách đã thanh toán trên ứng dụng nên anh Tuấn tuân thủ quy định giao hàng không tiếp xúc. Vừa đợi khách lấy hàng, anh vừa bấm điện thoại gọi ngay cho vị khách tiếp theo hẹn giao một đơn ghép ở gần đó.

“Vài ngày nay, đơn đồ ăn “nổ” liên tục, nhất là giờ cao điểm buổi trưa. Khách gọi đông lắm, nhiều quán ăn đông kín anh em đợi hàng”, anh Phạm Tuấn nói.

Ngày 21/5, TP.HCM quyết định các hàng quán quy mô nhỏ không phục vụ khách tại chỗ, chỉ cho bán mang về hoặc bán trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người trong mùa dịch bùng phát. Sau đó vài ngày, đến 25/5, Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về. Lệnh cấm bán hàng tại chỗ khiến cho nhu cầu đặt đồ ăn online tăng lên, các shipper hoạt động cũng đông đảo hơn.

Không đón khách ăn tại quán, nhưng nhiều cửa hàng không kém phần tấp nập bởi đủ màu áo của shipper Grab, Gojek, Now, Baemin đến nhận đơn đồ ăn.

Chủ một quán mì tại Hà Nội chia sẻ: "Hàng quán không mở nhưng khách vẫn có nhu cầu ăn. Vì thế, lượng đơn hàng trên các ứng dụng và qua điện thoại tăng đáng kể. Ngoài các đơn trên Grab và Gojek, nhà tôi phải huy động cả lực lượng shipper tại chỗ để tránh cho khách phải đợi lâu. Nhờ đó mà vẫn có thể duy trì hoạt động".

Đại diện một số ứng dụng giao nhận đồ ăn như Grab, Now, Gojek cho biết lượng đơn hàng trong vài ngày qua có xu hướng tăng lên so với trước đó.

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Phát triển Kinh doanh GoFood (Gojek Việt Nam) cho hay: "Trong những ngày gần đây, lượng đơn hàng đặt trên GoFood tăng đáng kể, tỷ lệ tăng ở mức hai con số”. Theo ông, dù một số nhà hàng đóng cửa do nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu của người dùng vẫn cao nên lượng đơn hàng trung bình mỗi tháng trên đà tăng. Ứng dụng này ghi nhận mức tăng trưởng tại TP.HCM cao hơn tại Hà Nội.

Tương tự, với các ứng dụng khác là Grab và Now, dịch vụ giao đồ ăn cũng đắt khách. Đại diện Now cho biết, dù không tăng trưởng đột biến nhưng lượng đơn hàng trên Now có xu hướng tăng trong vài ngày qua.

Nghề ship đồ ăn không “dễ xơi”

Các tài xế cho biết, nhu cầu gọi đồ ăn qua ứng dụng tăng cao nhưng lại chỉ tập trung vào giờ cao điểm, nhất là buổi trưa. Vì thế, đây được xem là giờ chạy “quên ăn” của nhiều shipper.

Anh Phạm Tuấn cho biết, lúc cao điểm, có ngày anh chạy được trên chục đơn GrabFood. Vài ngày nay, các cuốc GrabFood liên tục nổ thay vì chở khách nên tần suất có mặt ở các quán ăn đợi lấy hàng thường xuyên hơn. Dù vậy, anh Tuấn chia sẻ rằng đơn hàng “nổ” liên tục nhưng các cuốc xe giao đồ ăn đều “không dễ xơi”.

“Cánh tài xế “oải” nhất là thời gian đợi món”, anh Phạm Tuấn nói. Thông thường, tài xế phải chờ 25 – 30 phút cho nhà hàng chuẩn bị món ăn. Nếu khách đông, tài xế phải đợi lâu hơn. Các quán được nhiều người ăn quen hay quán có khuyến mại thường có lượng đơn hàng rất lớn nên thời gian chờ đợi kéo dài hơn. Tài xế phải xếp hàng ở ngoài trời, một số quán có sắp xếp cho shipper khu vực ngồi, nhưng thời gian chờ đợi đều gây áp lực.

“Mấy hôm nay đông, có quán tôi phải đợi tới 1 tiếng nên nếu tính ra trong giờ cao điểm lượng đơn không được nhiều. Phải chạy liên tục không nghỉ mới duy trì được lnhư thế”, anh Tuấn nói.

Nhiều tài xế có chung tâm sự khi cả thời gian chờ và giao hàng đều có những nỗi vất vả riêng để có thể đưa món ăn nhanh nhất đến khách hàng. “Khách đặt đồ ăn lúc nào cũng muốn món ăn đến nhanh nhất, nếu đợi lâu lần sau khách không muốn đặt nữa. Chưa kể, nhiều khách đã đặt đơn nhưng do thời gian nghỉ trưa hạn hẹp nên rất vội. Những lúc đó, tài xế thường gọi cho khách để thông báo hoặc chủ động hủy nếu như không thể đợi”, một tài xế của ứng dụng khác cho hay. 

Giao đồ ăn, hàng hóa sẽ là một trong những mảng dịch vụ quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Muốn duy trì được dịch vụ này, các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn hiện nay như Grab, Now, Gojek, Baemin đều yêu cầu tài xế tuân thủ biện pháp phòng dịch. Các ứng dụng khuyến cáo tài xế thực hiện nghiêm túc 5K, giao hàng không tiếp xúc, khai báo y tế… hay sát khuẩn sau khi giao hàng cho khách để tránh lây nhiễm.

Theo ông Lê Tuấn Kiệt, khi dịch bệnh có xu hướng chuyển biến phức tạp, Gojek đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông về nguyên tắc 5K, yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả khách hàng đặt dịch vụ. Ngoài ra, Gojek cũng tạm ẩn những nhà hàng trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng và phối hợp với cơ quan chức năng khi cần thiết.

Duy Vũ

Ứng dụng gọi xe tắt toàn bộ hoạt động tại Đà Nẵng, tài xế được yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19

Ứng dụng gọi xe tắt toàn bộ hoạt động tại Đà Nẵng, tài xế được yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19

Hai ứng dụng gọi xe công nghệ là Grab và be đều đã tắt toàn bộ các dịch vụ tại Đà Nẵng. Các đối tác tài xế xe cũng được yêu cầu đến cơ quan y tế để xét nghiệm để đủ điều kiện hoạt động.