Chủ đầu tư có nhiều vi phạm, chờ kết luận điều tra

UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này tình hình thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có 8 dự án trọng điểm đang triển khai. Trong đó, chỉ có 2 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang xây dựng, đó là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh) và dự án hồ Ta Hoét. 

nguyen cao tri 3.jpg
Bảng thông tin quy hoạch dự án Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám

Về Khu đô thị Đại Ninh, đây là dự án do Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Đại Ninh), doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Capella Holdings của đại gia Nguyễn Cao Trí, làm chủ đầu tư. 

Dự án Khu đô thị Đại Ninh toạ lạc tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đại Ninh vào năm 2010.

Dự án này có quy mô 3.595,45 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến năm 2018.

nguyen cao tri 4.jpg
Hiện trạng một góc dự án Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám 

Về tình hình triển khai, theo UBND huyện Đức Trọng, hiện dự án Khu đô thị Đại Ninh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh người đại diện theo pháp luật tại văn bản ngày 12/1/2022, chấp thuận chủ trương điều chỉnh tiến độ dự án theo văn bản ngày 24/3/2022. 

“Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII – Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án”, UBND huyện Đức Trọng thông tin. 

W-nguyen-cao-tri-1-2.jpg
Một số hạng mục dở dang tại dự án Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám

Đối với các thủ tục pháp lý đất đai, UBND huyện Đức Trọng cho biết dự án Khu đô thị Đại Ninh hiện đã hoàn thành các thủ tục thuê đất, thuê rừng, phê duyệt quy hoạch. 

Tuy nhiên, năm 2012, UBND tỉnh đã cho phép chuyển đổi một phần đất ở để thực hiện dự án nhưng đến nay chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất ở chuyển đổi này. 

Trong quá trình quản lý và sử dụng đất dự án, chủ đầu tư đã để cho người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định Luật Đất đai 2013 và vi phạm trật tự xây dựng. Ngoài ra, theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án Khu đô thị Đại Ninh triển khai chậm tiến độ. 

Trong thời gian chờ kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII – Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, UBND huyện Đức Trọng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị địa phương và chủ đầu tư tăng cường công tác bảo vệ rừng và đất đai thuộc phạm vi dự án. 

Đại gia Nguyễn Cao Trí ‘thâu tóm’ dự án Khu đô thị Đại Ninh như thế nào?

Thông tin về Công ty Đại Ninh và dự án Khu đô thị Đại Ninh từng được đề cập đến tại kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các tổ chức, đơn vị liên quan. 

Công ty Đại Ninh thành lập ngày 7/1/2010, trụ sở tại số 9 Đống Đa, P.3, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty này là bà Phan Thị Hoa.

Vốn điều lệ ban đầu của Công ty Đại Ninh là 300 tỷ đồng, gồm: Công ty TNHH Thương mại Phương Nam góp 273 tỷ đồng và 6 cá nhân khác góp 27 tỷ đồng. Đến lần đăng ký thay đổi thứ 7 vào ngày 10/10/2017, vốn điều lệ của Công ty Đại Ninh bất ngờ tăng lên 2.000 tỷ đồng. 

nguyen cao tri 5.jpg
Theo giấy chứng nhận đầu tư, hiện dự án Khu đô thị Đại Ninh đã chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Giám 

Từ ngày thành lập đến nay, Công ty Đại Ninh chỉ được cấp giấy chứng nhận đầu tư duy nhất dự án Khu đô thị Đại Ninh. 

Tháng 12/2020, bà Phan Thị Hoa ký thoả thuận bán 100% vốn điều lệ Công ty Đại Ninh cho công ty thuộc hệ sinh thái Capella Holdings của đại gia Nguyễn Cao Trí với giá 5.000 tỷ đồng. 

Với hình thức đưa công ty con và người thân đứng ra mua lại vốn của Công ty Đại Ninh, tính đến tháng 9/2022, đại gia Nguyễn Cao Trí nắm giữ 58% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. 

Trước đó, tại lần đăng ký thay đổi thứ 8 vào tháng 1/2021, Công ty Đại Ninh thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang ông Nguyễn Cao Trí. 

Sau khi nắm quyền kiểm soát Công ty Đại Ninh, ông Trí thoả thuận bán lại 100% vốn điều lệ doanh nghiệp này cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển cho ông Trí với tổng số tiền 20 triệu USD.

Tuy nhiên, cuối cùng bà Lan quyết định không mua Công ty Đại Ninh và thống nhất với ông Trí chuyển 20 triệu USD trên cộng với một khoản tiền khác để mua 10% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang. 

Theo dữ liệu cập nhật vào tháng 1/2024, người đại diện pháp luật của Công ty Đại Ninh là ông Hoàng Thanh Bách và ông Nguyễn Cao Trí. Trong đó, ông Trí giữ chức Tổng Giám đốc công ty. 

Về cơ cấu cổ đông, Công ty Đại Ninh có 8 cá nhân góp vốn. Trong đó, bà Phan Thị Hoa sở hữu 88,5% vốn, tương ứng 1.770 tỷ đồng. Phần vốn góp 230 tỷ đồng còn lại của 7 cá nhân khác. 

Mặc dù theo dữ liệu đăng ký kinh doanh, bà Phan Thị Hoa vẫn nắm quyền chi phối tại Công ty Đại Ninh nhưng thực tế doanh nghiệp này đã về tay đại gia Nguyễn Cao Trí.