Vụ sụp đổ nhanh hiếm có
Ngày 10/3 (giờ Mỹ), giới chức California đã đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.
Đây là vụ sụp đổ lớn nhất trong ngành ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 và lớn thứ hai trong lịch sử sau vụ Lehman Brothers.
Sự việc diễn ra rất nhanh chóng bắt đầu từ hôm 8/3 sau khi Silicon Valley Bank thông báo sẽ bán tháo một loạt chứng khoán, với khoản lỗ lên tới 1,8 tỷ USD để huy động vốn củng cố bảng cân đối kế toán. Điều đó gây hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm và họ đã khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi ngân hàng này.
Cổ phiếu SVB ngay lập tức bốc hơi. Hoạt động rút tiền đã diễn ra ồ ạt tại ngân hàng.
Không chỉ cổ phiếu SVB, cổ phiếu nhiều ngân hàng lớn khác như JPMorgan, Bank of America, First Republic Bank, Wells Fargo và Morgan Stanley,... đều lao dốc.
Một số cổ phiếu ngân hàng như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.
Sự sụp đổ của SVB là một cú sốc lớn với thị trường tài chính thế giới. Đây là ngân hàng có lịch sử 40 năm hoạt động và cho vay cũng như nhận tiền gửi từ một loạt các công ty công nghệ khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm (VC) tại thung lũng Silicon.
Các ngân hàng có mức an toàn thấp đối mặt với hiệu ứng domino rút tiền.
Lý do khiến cả thế giới lo sợ
Nguyên nhân khiến Silicon Valley Bank sụp đổ là sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn tiền ngắn hạn nhưng khả năng quản trị rủi ro yếu kém, cùng với việc không thể dự báo được những biến động bất lợi trên thị trường tài chính.
Nguồn cơn của cú đổ vỡ đến từ việc ngân hàng huy động một lượng lớn vốn ngắn hạn nhưng đầu tư dài hạn.
Trong năm 2021, lượng tiền rẻ ngập tràn tại Mỹ và cũng như ở Thung lũng Silicon đã khiến SBV nhận được một lượng lớn tiền gửi từ các start-up công nghệ và đầu tư mạo hiểm. Lượng tiền tăng từ 60 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên đến hơn 190 tỷ USD vào đầu năm 2022. Lượng tiền tăng trưởng quá nhanh khiến SBV không biết làm gì và tập trung vào mua trái phiếu, trong có nhiều trái phiếu dài hạn.
Trước khi khó khăn xảy ra, SBV có hơn 90 tỷ USD trái phiếu được nắm giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity). SBV sẽ không phải chịu lỗ trừ khi buộc phải bán trước hạn để bù đắp cho số tiền gửi ồ ạt bị rút ra.
Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá nhanh và mạnh (để chống lạm phát lên cao kỷ lục 40 năm, ở mức 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022) đã khiến hàng loạt start-up công nghệ cũng như đầu tư mạo hiểm mà SBV tài trợ vốn rơi vào khó khăn.
Chỉ trong vòng khoảng một năm, từ tháng 3/2022, Fed đã 8 lần nâng lãi suất, với tổng mức tăng 450 điểm (từ 0-0,25% lên 4,5-4,75%/năm như hiện tại). Fed cũng cho biết sẽ mạnh tay nâng lãi suất tiếp.
Trên thực tế, việc Fed tăng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh đã ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu nói chung và hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới.
Không ít tập đoàn lớn lao đao vì dùng các khoản vay ngắn hạn tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn và gặp khó khăn khi lãi suất tăng mạnh hoặc/và không thể kịp rút các khoản đầu tư về chi trả cho các khoản vay khi dòng tiền bị sụt giảm đột ngột, nợ đến trả tăng cao.
Không ít ngân hàng trên thế giới cũng đối mặt với tình trạng này.
Tại Việt Nam, gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường kiểm soát rủi ro này. Từ 1/10/2022, NHNN hạ tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn từ mức 37% xuống còn 34%.
Nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam cũng như tại các nước (trong đó có Trung Quốc) vay ngắn hạn từ ngân hàng rất nhiều hoặc/và vay trái phiếu kỳ hạn cũng không đủ dài (chỉ vài 3 năm), nhưng dùng cho đầu tư các dự án có vòng đời 5-7 năm, thậm chí 10 năm trong lĩnh vực địa ốc.
Trong trường hợp Silicon Valley Bank, sự tăng trưởng là rất nhanh, tựa “Thánh Gióng”. Nhưng sự phát triển quá nhanh cũng gây ra sự sụp đổ nhanh chóng. Việc không thể kiểm soát được dòng tiền và bất ngờ rơi vào tình trạng bank run (khách hàng rút tiền ồ ạt) khiến SVB phải phá sản.
Trước đó, Silvergate - một ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ của cho các công ty tiền điện tử, bao gồm cả sàn giao dịch FTX - đã phá sản sau khi bị khách hàng ồ ạt rút tiền từ cuối năm 2022.
Ảnh hưởng tiêu cực không quá lớn
Vụ việc Silicon Valley Bank là cú phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ năm 2008, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng tương tự sau vụ Lehman Brothers. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó được cho là không lớn như vụ Lehman Brothers.
Trên CNN, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Jonas Goltermann cho rằng, lý do SVB gặp rắc rối là quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực. SVB là trường hợp cá biệt. Ngân hàng này chịu sức ép rút tiền lớn từ một nhóm đối tượng là các start-up tại Thung lũng Silicon.
Trong khi đó, phần lớn ngân hàng khác tại Mỹ đều "đa dạng hóa tốt". Điều này đồng nghĩa với rủi ro sẽ thấp hơn.
Trên Bloomberg, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers khẳng định ông không nhận thấy "rủi ro hệ thống" nếu sự việc này "được giải quyết hợp lý".
Dù vậy, vụ việc Silicon Valley Bank là lời cảnh báo tới các ngân hàng trên toàn cầu cũng như các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động đầu tư/cho vay dài hạn mà thiếu kiểm soát một cách an toàn.