Đây là kinh nghiệm được ông Roger Tan, Trợ lý Giám đốc điều hành, Trường Công vụ Singapore chia sẻ tại Diễn đàn "Quản trị đất nước tốt" diễn ra ngày 4/8, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21.
Trình độ công chức đang ngày càng lỗi thời nhanh
Theo ông Roger Tan, Singapore đưa ra nguyên tắc xây dựng nguồn nhân lực là tất cả cán bộ đều có kỹ năng cần được phát triển. Vì vậy đất nước này xây dựng văn hóa học tập liên tục và suốt đời. Mỗi cán bộ, công chức có quyền học tập 100h/năm và quá trình này có thể thực hiện qua lớp học, hội nghị, hội thảo, huấn luyện trên môi trường số…
Ông cũng nêu thách thức về việc đổi mới công nghệ, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, robot, thời gian tới sẽ có khoảng 5 triệu việc làm mất đi. Thêm vào đó là đại dịch Covid-19 vừa qua đã khiến nhiều tổ chức phải đẩy nhanh tiến trình đổi mới.
“Trình độ công chức đang trở nên lỗi thời với tốc độ ngày càng nhanh, 5 năm sau tốt nghiệp, những gì được học trong trường đại học có thể coi là lỗi thời. Vì vậy, công chức cần học hỏi những kỹ năng mới, chuyên môn mới”, ông Roger Tan nhấn mạnh.
5 năm trở lại đây, Singapore đã huấn luyện được hơn 10.000 lượt cán bộ, công chức có năng lực trong các ngành khoa học dữ liệu, đưa họ trở thành những “kỹ sư” về dữ liệu và phấn đấu đến năm 2023, các cán bộ đều được đào tạo kỹ năng số cơ bản. Họ phải đỗ một kỳ thi về kỹ năng số cơ bản và việc này đã được Singapore áp dụng cách đây 2 năm.
Trong lĩnh vực y tế, Singapore huấn luyện, hỗ trợ các y tá có kỹ năng tiệm cận với kỹ năng của bác sỹ, còn những công việc mang tính thủ công hơn sẽ có lực lượng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tổ chức cũng đã áp dụng công nghệ số nhiều hơn trong công việc như sử dụng chatbox, công nghệ trí tuệ nhân tạo. Việc này làm cho quá trình tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn và quá trình phỏng vấn được thực hiện thông qua trực tuyến.
Singapore còn thực hiện luân chuyển cán bộ linh hoạt hơn trong hệ thống công chức và có giải pháp cho cán bộ đi biệt phái ở các hãng hàng không, ngân hàng 2 năm. Từ đó họ học được những kỹ năng trong giới doanh nghiệp để có thể quay về cơ quan công quyền làm việc.
Bất cứ ai làm việc trong bộ máy công quyền đều có thể đăng ký được định hướng công việc để tìm việc làm phù hợp, qua đó giúp họ có kỹ năng làm việc suốt đời. Đây là hướng đi lâu dài của Singapore.
Đất nước này không chỉ coi làm việc trong giới công quyền là điều duy nhất và dài hạn. "Chỉ cần họ đóng góp cho đất nước Singapore là được, cho dù họ làm trong giới công quyền hay tư nhân”, chuyên gia Singapore nêu quan điểm.
Thi tuyển theo hình thức điện tử để chọn người tài
Ông Bajoe Loedi Hargono - Giám đốc Trung tâm phát triển, Cơ quan Công vụ Quốc gia Indonesia cho biết, những thách thức đối với nền công vụ Indonesia là làm thế nào tận dụng thế mạnh của thế hệ có kiến thức tốt hơn về công nghệ khoa học kỹ thuật cho nền công vụ và cải thiện kỹ năng của thế hệ lớn hơn.
Điều này đòi hỏi phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ công chức phù hợp. Từ năm 2020 trở đi, nước này đang cố gắng để đạt tiêu chuẩn của thế giới với mục tiêu đảm bảo nền công vụ chuyên nghiệp, liêm chính, có tính toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về công nghệ thông tin.
Hệ thống bổ nhiệm của Indonesia dựa trên 3 yếu tố chính: Bằng cấp, năng lực, kinh nghiệm. Cơ chế quản lý nguồn nhân lực áp dụng chung cho tất cả công chức cấp trung ương và địa phương.
Ngoài ra, Indonesia còn triển khai một số chương trình xây dựng năng lực cho từng cán bộ, công chức; trong đó có ban về phát hiện nhân tài và ban xem xét lại cán bộ. Dựa trên nhu cầu của từng cơ quan để đề xuất chương trình đào tạo dựa trên năng lực cho cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, Indonesia còn có chương trình giáo dục cấp quốc gia, tại trường đại học, sinh viên không chỉ học về quản lý, phát triển nguồn nhân lực, mà còn học được kỹ năng để đạt được yêu cầu công việc khi trở thành công chức.
Đại diện Thái Lan thì cho biết, mỗi năm họ dành 200 - 300 suất học bổng dành cho các nhân tài trẻ với yêu cầu học xong phải quay về làm việc trong nước. “Chúng tôi nhìn ra nhân tài họ muốn gì để có chính sách thu hút họ”, đại diện Thái Lan nêu kinh nghiệm.
Con đường rộng hơn để thu hút nhân tài của Thái Lan là tăng cường thi tuyển theo hình thức điện tử và trong tương lai đất nước này sẽ thi hoàn toàn bằng cách này.
Hiện Thái Lan đang nghiên cứu các mô hình mới thu hút được nhân tài để nhà nước được hưởng lợi từ chuyên môn của họ. “Chúng tôi coi người giỏi là 1 tập thể lớn, và cần có cơ chế chính sách mới để thu hút người tài”, vị này nhấn mạnh.
Con người là chủ thể tạo nên sự đổi mới
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, những thông tin này đã giúp các đại biểu có cách nhìn toàn diện và đa dạng hơn về các chiến lược và giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cũng như những yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ ở mỗi quốc gia.
Bà hy vọng những kinh nghiệm này sẽ được xem xét, lựa chọn để có thể áp dụng phù hợp với thực tiễn của mỗi nước, giúp xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp và mang lại những tiêu chuẩn cuộc sống tốt hơn cho công dân ở mỗi nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là cơ hội tốt để các nước khẳng định giá trị và tầm quan trọng của nền công vụ và đội ngũ công chức đối với phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Trong đó con người là chủ thể tạo nên sự đổi mới.
Việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức, thái độ và đạo đức công vụ cao, thực thi công vụ hiệu quả, chuyên nghiệp là yêu cầu tất yếu hiện nay về đổi mới chính phủ, đổi mới nền công vụ và quản trị công của các nước trong khu vực.