Sau khi gói 62.000 tỷ đồng được Chính phủ tung ra nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) bỗng nhiên được biết đến do có hộ cận nghèo xây nhà tiền tỉ, làm nghề kinh doanh thu nhập ổn định.
Theo lý giải từ địa phương, sở dĩ có tình trạng này do người cùng thôn bình bầu cho các gia đình có con đi học để được học phí ưu đãi, được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, trong khi hoàn cảnh một số hộ không hề khó khăn.
Một câu hỏi đặt ra là để chính quyền thôn, xã lên danh sách người dân cần hỗ trợ trong trường hợp này có minh bạch hay không? Nhìn ra khu vực, nhiều nước cũng có chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19, nhưng cách làm hoàn toàn khác nhau.
Tại Đông Nam Á, để xét đối tượng thu nhập thấp, các nước như Việt Nam, Indonesia, Philippines xác định thông qua danh sách cung cấp bởi đơn vị thôn, xã. Trong khi đó, Singapore và Thái Lan xác định nhóm đối tượng khó khăn thông qua mức thu nhập được cơ quan chức năng lưu dữ liệu.
Singapore hỗ trợ tiền cho người thu nhập thấp
Kể từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay, Singapore thông qua ba gói hỗ trợ trị giá tổng cộng hàng chục tỷ đô Singapore nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đợt đầu tiên, mọi người dân Singapore từ 21 tuổi trở lên nhận được 600 đô la Singapore qua tài khoản ngân hàng hoặc gửi séc qua bưu điện.
“Tôi nhận 600 đô la hồi tháng 4 qua tài khoản ngân hàng. Có lẽ chỉ những người thu nhập thực sự cao mới không nhận khoản này”, chị Hồng Trịnh, người Singapore gốc Việt, nói với Vietnamnet.
Theo trang Asiaone, một khoản khác từ 300-600 đô la sẽ được chuyển cho người dân trong tháng 6 tới, tuỳ theo thu nhập của từng người.
Ngoài khoản tiền người trưởng thành nào cũng được nhận, Singapore hỗ trợ thêm cho người già và người thu nhập thấp. Đảo quốc sư tử không có khái niệm người nghèo, chỉ có người thu nhập thấp.
Người có thu nhập thấp là người nhận được Tiền thu nhập tăng thêm (Workefare Income Supplement Scheme) mà họ được trả hàng tháng - như một khoản hỗ trợ thêm. Đối tượng này được xác định có thu nhập không quá 2.300 đô la mỗi tháng (GDP trung bình người dân Singapore là hơn 102.000 đô la/năm) và có tham gia một gói được xem như bảo hiểm trọn đời.
Nếu là người làm công, chính phủ xác nhận thu nhập của người dân thông qua công ty họ làm việc. Với người lao động tự do, thu nhập được xác định qua một dạng như mã số thuế thu nhập.
"Trước đây, vẫn có tình trạng gian lận để được hưởng chế độ, nhưng sau khi chính phủ tuyên bố phạt nặng thì một số người thậm chí đã đem trả lại tiền hỗ trợ", chị Hồng Trịnh nói thêm.
Một người Việt sống lâu năm tại Singapore cho biết gần như mọi hàng quán nhỏ lẻ ở đây đều được cấp máy POS để xuất hoá đơn cho người mua và phải đăng ký hành nghề. Do đó, thu nhập những người này đều được cơ quan chức năng nắm rõ, tình trạng khai gian thu nhập hiếm khi xảy ra. “Mọi thứ hầu hết được số hoá, nộp qua mạng nên đảm bảo minh bạch và công bằng”.
Người có thu nhập thấp sẽ được nhận thêm tổng cộng 3.000 đô la chia ra hai đợt, phát vào tháng 7 và tháng 10 năm nay, theo Asiaone.
Tại Thái Lan, tờ Bangkok Post cho biết chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 3.000 Baht (khoảng 3,6 triệu đồng) mỗi tháng cho người mất việc làm do dịch. Gói hỗ trợ sẽ kéo dài 3 - 6 tháng. Ngoài ra, nông dân và người buôn bán nhỏ cũng được hỗ trợ gói 15.000 Baht một lần.
Để nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp, chính phủ dựa trên khoản tiền an sinh xã hội mà doanh nghiệp đóng cho người lao động. Nếu doanh nghiệp dừng đóng khoản này đồng nghĩa với việc người lao động đó mất việc làm.
“Tuy vậy vẫn có những bất cập. Chẳng hạn, một số người thu nhập trung bình nhưng vẫn khoe được nhận trợ cấp”, một công dân Thái nói với phóng viên VietNamNet.
Một số nước vẫn dựa vào đánh giá cộng đồng
Có nhiều đối tượng được chính phủ hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19, tuy nhiên khi xét về người nghèo, một số nước như Philippines, Indonesia vẫn dựa vào danh sách được cung cấp bởi cơ quan chính phủ.
Một phóng viên ở Jakarta, Indonesia cho hay, những người có hoàn cảnh khó khăn ở đây được chọn ra từ cộng đồng, do đó sẽ mang tính chủ quan và không hoàn toàn chính xác.
Tại Philippines, chính phủ hỗ trợ người già, người tàn tật, người lao động tự do, gia đình bố mẹ đơn thân, lao động làm việc nước ngoài nhưng bị kẹt lại do dịch...
Danh sách người được hỗ trợ do cơ quan phụ trách phúc lợi và phát triển xã hội cung cấp. Tuy vậy, một cô giáo người Philippines đang sống ở Manila cho biết vẫn có trường hợp một nhà có vài người được hưởng chế độ, trong khi mỗi nhà giới hạn chỉ một người được hỗ trợ.