Tính đến năm 2022, cơ quan quản lý thông tin truyền thông (IMDA) Singapore cho biết, SIM trả trước chiếm gần 1/4 tổng số thuê bao di động tại đây. Các loại SIM này vẫn được sử dụng một cách hợp pháp để liên lạc và tiết kiệm chi phí. Do đó, nhà chức trách cần tìm cách cân bằng giữa bảo mật và tính linh hoạt.
Năm 2005, IMDA (lúc này là Bộ Nội vụ) đưa ra quy định giới hạn mỗi người dân chỉ được sử dụng tối đa 10 thẻ SIM trả trước.
“IMDA yêu cầu tất cả đăng ký SIM trả trước phải được kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu trung tâm. Điều này đảm bảo không có thuê bao nào có thể đăng ký nhiều thẻ hơn hạn mức cho phép”, trích thông báo cơ quan quản lý vào thời điểm đó.
Đến năm 2014, IMDA giảm số lượng thẻ tối đa xuống còn ba. Lúc này, các nhà bán lẻ tại Singapore sử dụng thiết bị độc lập để tự nhập thông tin khách hàng sau khi yêu cầu giấy tờ tuỳ thân của họ.
Song cơ quan quản lý cho hay, một số đại lý bán lẻ đã lạm dụng quy trình này, chẳng hạn tạo một bản sao ID khách hàng khi họ không để ý, hoặc sử dụng những thông tin có sẵn để đăng ký trước nhiều thẻ SIM mà khách hàng không hề biết.
“Sau khi giao dịch kết thúc, đại lý sẽ có thêm thẻ SIM được kích hoạt để bán ra mà không cần thêm thông tin chi tiết nào”, một chủ cửa hàng bán điện thoại di động ở phố Orchard cho hay. “Việc truy tìm khách hàng càng trở nên khó khăn nếu như họ là khách du lịch và đã rời khỏi đất nước. Đó là lý do một số chủ cửa hàng sẵn sàng lách luật”.
Gần đây nhất, vào tháng 11/2021, IMDA thắt chặt hơn nữa quy trình đăng ký thông tin SIM trả trước bằng cách không cho phép nhập thông tin khách hàng theo cách thủ công, yêu cầu các nhà mạng cũng như đại lý bán lẻ phải quét và tải lên hình ảnh ID, đồng thời mỗi đăng ký chỉ được gắn với một thẻ SIM.
Quy trình đăng ký
Trước thời điểm trên, các nhà mạng đã phải phát triển hệ thống mới để đáp ứng các yêu cầu mới, bao gồm ứng dụng quét ID, sau đó triển khai hướng dẫn hàng ngàn đại lý bán lẻ sử dụng phần mềm.
“Đó là một giai đoạn căng thẳng trong việc phát triển hệ thống. Đã có một số vấn đề phát sinh và các công ty liên tục phải hoàn thiện để đảm bảo trải nghiệm tốt cho đại lý cũng như khách hàng”, Anna Yip, giám đốc điều hành mảng tiêu dùng của nhà mạng Singtel cho biết.
Chẳng hạn, một số nhà bán lẻ nhận thấy máy quét không thể phát hiện chi tiết cá nhân trong điều kiện ánh sáng kém hoặc ID đã cũ. Một số khách hàng cũng từ chối quét ID với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Giải quyết các bài toán trên, các nhà mạng đã tiến hành lắp đặt thêm đèn chiếu sáng tại các cửa hàng, thử nghiệm ứng dụng tìm ra mẫu điện thoại phù hợp nhất và thậm chí phát hành phần mềm dành cho SIM trả trước để khách hàng tự quét ID khuôn mặt.
Để đăng ký SIM trả trước, người dùng phải cung cấp ID gốc hoặc hộ chiếu. Máy quét của ứng dụng tự động điền các thông tin cần thiết. Quá trình này mất từ 20 đến 30 giây. Đồng thời, phần mềm cũng kiểm tra xem khách hàng có vượt quá hạn mức ba thẻ SIM hay không, nếu có, khách hàng sẽ được nhắc huỷ đăng ký những SIM khác.
Về mặt lý thuyết, những kẻ lợi dụng vẫn có thể sử dụng ứng dụng đăng ký khác nhau của các nhà mạng để tải lên bản sao ID và nhập thủ công thông tin đánh cắp, song máy quét được trang bị tính năng phụ trợ phát hiện các ID tải lên bất hợp pháp và cảnh báo cho các nhà mạng.
Các công ty viễn thông cũng buộc phải kiểm tra các đại lý để giám sát những thẻ SIM được bán cho ai, và đảm bảo hạn mức của mỗi khách hàng.
(Theo CNA)