Ở nhiều thành phố trên thế giới, tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh nhưng quen thuộc đến nỗi dường như không ai quan tâm giải quyết hiệu quả bài toán này.
Mật độ phương tiện quá đông ở các thành phố hiện nay không chỉ gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm mà còn khiến chất lượng không khí bị suy giảm. Đây là động lực để chính quyền nhiều thành phố trên thế giới thúc đẩy phương án thu phí phương tiện vào nội đô như một biện pháp giảm ùn tắc giao thông và cải thiện chất lượng không khí.
Giải pháp mới
Theo trang Newsnpr, các nhà nghiên cứu tính toán rằng, năm 2018, một tài xế Mỹ mất trung bình 97 giờ tham gia giao thông, gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia khoảng 87 tỷ USD. Thiệt hại này chưa tính đến lượng khí carbon độc hại thải ra khí quyển cũng như ô nhiễm khói bụi đe dọa môi trường và sức khỏe con người.
Xây thêm đường, mở rộng hạ tầng giao thông có thể là biện pháp đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến, nhưng điều này không hoàn toàn hiệu quả. Lí do vì đường càng rộng, càng góp phần thu hút thêm nhiều người và phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khiến các vấn đề không được cải thiện. Vì vậy, chính quyền các thành phố như London của Anh, New York của Mỹ hay Stockholm của Thụy Điển và đảo quốc Singapore đã chọn áp dụng thêm biện pháp thu phí các phương tiện di chuyển vào nội đô.
Năm 1975, Singapore trở thành thành phố đầu tiên áp dụng hình thức thu phí tắc nghẽn, được gọi là hệ thống đăng ký vào nội đô (ALS). Các phương tiện muốn di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố trong khung giờ cao điểm từ 7h30 - 9h30 phải mua vé 3 SGD (gần 52.000 đồng) một ngày hoặc 60 SGD (xấp xỉ 900.000 đồng) một tháng.
Năm 1998, Singapore chuyển sang hệ thống thu phí công nghệ cao (ERP), trong đó áp dụng hình thức thu phí tự động. Các phương tiện cần lắp đặt thiết bị thu phí (IUs) và nạp trước thẻ tiền mặt. Khi tài xế điều khiển xe di chuyển qua hệ thống ERP, thẻ sẽ tự động bị trừ tiền thông qua sóng vô tuyến, mà họ không cần dừng lại hay giảm tốc độ phương tiện.
Mức phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại xe, mật độ, thời gian xe vào thành phố và nút giao thông. Một trung tâm điều khiển hoạt động 24/7 sẽ đảm bảo cho tất cả vận hành trơn tru. Hệ thống thu phí tự động này vẫn đang được sử dụng ở Singapore.
Hiệu quả bất ngờ
Nhà chức trách Singapore thống kê, hệ thống ALS đã giúp đất nước giảm 45% lượng xe cộ qua lại và giảm 25% tai nạn giao thông. Sau khi triển khai ERP, mật độ giao thông đã giảm thêm 15%, trong khi tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng tăng gần 20%, lên 65%.
Thủ đô London của Anh cũng bắt đầu áp dụng thu phí ùn tắc từ năm 2003 và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 3 năm đầu tiên thu phí trên toàn thành phố, giao thông ở trung tâm London đã giảm 15% và tắc nghẽn giảm 30%. Năm 2018, lưu lượng giao thông ở khu vực này thấp hơn 25% so với một thập kỷ trước đó.
Tại Stockholm, Thụy Điển, chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt sau khi triển khai thu phí phương tiện vào nội đô từ đầu năm 2007. Số người nhập viện vì các bệnh liên quan đến hen suyễn đã giảm 50%, trong khi lượng khí thải carbon trong thành phố cũng giảm gần 20% trong thập kỷ qua.
Theo Cục Quản lý đường cao tốc liên bang thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, việc thu phí vào nội đô như ở New York cũng mang lại lợi ích to lớn cho hệ thống giao thông công cộng. Khi biện pháp này được thực hiện, nhiều người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, giúp tăng lưu lượng hành khách sử dụng xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Giảm ùn tắc trên đường còn làm cho giao thông công cộng dễ dàng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và hấp dẫn hơn đối với các hành khách.
Các chuyên gia tin, các nhà hoạch định chính sách phải tập trung đầu tư vào giao thông công cộng khi có kế hoạch thu phí ô tô cá nhân trong nội thành. Các thành phố nên hướng tới việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng theo hướng phát thải carbon thấp để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tại Singapore, nhà chức trách đã xây dựng hệ thống giao thông công cộng tương đối hoàn chỉnh và khép kín, với tàu điện ngầm, xe buýt và taxi. Hầu hết người dân ở đảo quốc sư tử sử dụng tàu điện ngầm để đi lại, vì vé được chính phủ trợ giá một phần và mạng lưới các ga phủ khắp thành phố. Việc chấp nhận đi bộ quãng đường dài hơn để đến các ga tàu điện ngầm được coi là một trong những lí do khiến người Singapore có tốc độ đi bộ trung bình vào loại nhanh nhất châu Á (khoảng 6 km/h).
Người dân Singapore cũng có thể sử dụng xe buýt để đến hầu hết các địa điểm trên toàn quốc nhờ mạng lưới các tuyến xe buýt rộng khắp. Ở những khu vực không có bến xe buýt hoặc ga tàu điện ngầm, họ có thể gọi taxi.
Thủ đô Stockholm của Thụy Điển cũng xây dựng mạng lưới giao thông công cộng Stockholms Lokaltrafik (SL) giúp người dân dễ dàng di chuyển từ trung tâm thành phố ra ngoại ô bằng tàu điện ngầm, xe buýt, tàu hỏa, thậm chí là phà để kết nối các đảo.
Cách làm linh hoạt
Nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực ngoài ý muốn của việc thu phí vào nội đô đối với người dân, các thành phố đã áp dụng những chính sách thu phí linh hoạt và hiệu quả như thay đổi mức thu phí trong ngày dựa trên lưu lượng xe hoặc loại phương tiện.
Phí vào nội thành sẽ cao hơn vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối các ngày trong tuần, nhưng thấp hơn vào cuối tuần hoặc buổi chiều, sáng sớm hay tối muộn. Đây là mô hình Stockholm đã áp dụng.
Tại London, khu vực trung tâm thành phố áp dụng thu phí chống ùn tắc giờ cao điểm, từ 7h - 18h các ngày trong tuần, trừ dịp lễ, năm mới. Quy định này không áp dụng với các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay taxi. Các cư dân nội đô và người khuyết tật cũng sẽ được giảm 90 - 100% tiền phí.
Hệ thống camera được lắp đặt tại các điểm ra vào khu vực nội thành London sẽ tự động ghi lại biển số xe để đối chiếu với dữ liệu các phương tiện đã nộp phí. Nếu không tuân thủ quy định, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt đến 100 Bảng Anh (gần 2,8 triệu đồng).
Nhà chức trách Anh cũng đơn giản hóa và tối ưu hóa hoạt động thu phí, cho phép các tài xế có thể chọn nộp phí qua mạng, tin nhắn hoặc tại các địa điểm bán lẻ có trang bị hệ thống trả tiền tự động PayPoint và chỉ cần trả 1 lần cho nhiều lần ra vào khu vực nội đô.
Thuyết phục dân bằng chính sách minh bạch, lợi ích lâu dài
Giới quan sát chỉ ra rằng, một trong những yếu tố giúp các thành phố triển khai thành công thu phí xe vào nội đô là sự ủng hộ và tuân thủ của người dân.
Tại Singapore, chính quyền đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức và đánh giá kéo dài cả năm. Nhà chức trách lắng nghe phản hồi của người dân và có những điều chỉnh quy định thu phí phù hợp thông qua thí điểm ở một vài nơi trước khi thực hiện đại trà.
Tương tự, báo The Conversation chỉ ra rằng, việc thu phí vào nội thành ở thủ đô Anh thành công một phần vì nhà chức trách đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, minh bạch và thuyết phục, trong đó chú trọng nỗ lực sắp xếp và quản lý các phương tiện lưu thông một cách hợp lý hơn trong thành phố. Ngoài ra, chính quyền đã trích một phần nguồn phí thu được để tái đầu tư vào việc cải thiện các dịch vụ vận tải công cộng, giúp người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm hơn.
Tuấn Anh