Hướng dẫn phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP
Thông tư 07/2022/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 23/3/2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 8/5/2022.
Theo đó, cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước thành viên bị điều tra về việc nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá ít nhất 07 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước thành viên bị điều tra về việc nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp ít nhất 20 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Khi có yêu cầu từ Chính phủ nước thành viên liên quan, cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp bản không bảo mật hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp.
Cách tính toán biên độ bán phá giá được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP. Cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Quy định này không hạn chế quyền của Cơ quan điều tra trong việc tính toán biên độ bán phá giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Sửa quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán
Thông tư 24/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành ngày 7/4/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2022.
Thông tư 24 có sửa đổi và bổ sung quy định về "Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán" (Điều 5).
Theo đó, đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường. Giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.
Đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại doanh nghiệp bằng 2 hình thức
Theo Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT ban hành ngày 29/12/2021 quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại với Cơ quan tiếp nhận bằng một trong hai hình thức sau:
- Hình thức trực tuyến: Doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử www.kiemlam.org.vn để đăng ký theo hướng dẫn của Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp.
- Hình thức trực tiếp:
+ Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan tiếp nhận.
+ Cơ quan tiếp nhận nhập hồ sơ của doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp; thông báo đến doanh nghiệp kết quả tiếp nhận đăng ký phân loại doanh nghiệp theo; lưu trữ tài liệu đăng ký theo quy định của pháp luật.
Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 1/5/2022.
Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (gọi chung là viện trợ) bao gồm:
Viện trợ hỗ trợ ngân sách cho ngân sách trung ương hoặc cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Viện trợ độc lập hoặc viện trợ kèm theo khoản vay cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (bao gồm cả nhiệm vụ chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh), hoặc viện trợ trực tiếp cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh;
Viện trợ phi dự án để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh, hoặc trực tiếp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.
Sửa quy định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/5/2022.
Theo đó, Thông tư 02/2022/TT-NHNN sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 4 các trường hợp cho vay đặc biệt như sau: Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.
Ngoài ra, Thông tư 02/2022/TT-NHNN cũng sửa đổi khoản 1 Điều 5 Nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b, c, đ khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 4 của thông tư này, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.
Tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên
Quyết định 05/2022/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành, có hiệu lực từ 19/5/2022, đã sửa đổi, bổ sung một số điều về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng thay vì mức 2,5 triệu như hiện hành.
Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Học sinh, sinh viên được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Ngoài ra, Quyết định còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình.
Tăng trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã phục viên
Thông tư 22/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ 16/5/2022, quy định về điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, quân nhân có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương sẽ được hưởng mức trợ cấp hàng tháng tăng thêm 7,4%.
Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc… cũng là đối tượng được hưởng chính sách này.
Sau khi điều chỉnh, người công tác từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm được hưởng mức trợ cấp 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm hưởng mức 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp là 2.309.000 đồng/tháng. Người công tác từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm sẽ hưởng mức trợ cấp 2.400.000 đồng/tháng.
Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp hàng tháng do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Gia Hưng