Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT vừa chính thức công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của chương trình đào tạo mới Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng. Chương trình này cũng là bước hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác được PTIT và VMO Holdings ký kết hồi trung tuần tháng 5/2023.
Trong lần đầu tiên tuyển sinh, chương trình đào tạo mới này chỉ tuyển những sinh viên theo học tại cơ sở đào tạo Hà Nội, với tổng chỉ tiêu là 180. Các thí sinh xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT, với các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh).
Nói về chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT cho biết, thay vì học 4,5 năm, sinh viên sẽ chỉ học khoảng 3,5 năm đến 4 năm và sẽ đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng khi ra trường. Chương trình tập trung vào 3 khía cạnh chính “Doanh nghiệp hóa”, “Chứng chỉ hóa” và “Quốc tế hóa” với mục tiêu cung cấp cho người học khả năng thích ứng ngay với yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp quốc tế.
Việc kết hợp cùng các doanh nghiệp để thiết kế, tổ chức đào tạo các ngành, chương trình như chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng cũng là một minh chứng về cách tiếp cận mới của PTIT trong đào tạo nguồn nhân lực số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Theo học chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng, sinh viên sẽ được học tập tại các phòng học, phòng máy mô phỏng môi trường làm việc theo chuẩn các doanh nghiệp, đối tác công nghệ của Học viện, được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế như AWS, CCNA, TOEIC, MOS…; đồng thời được đào tạo qua công việc (on-job training) qua các dự án “thực chiến” tại doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Học viện cho biết thêm, với giá trị cốt lõi của chương trình là mô hình “1+N”, với 1 bằng đại học chính quy về CNTT và N chứng chỉ quốc tế, sinh viên tốt nghiệp chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng có thể tự tin đáp ứng yêu cầu công việc với mức lương lên tới 1.000 USD ngay khi ra trường.
Tiến sĩ Ngô Quốc Dũng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện - đơn vị được Học viện giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng, chia sẻ: Yếu tố then chốt để Học viện có thể rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo vừa cung cấp khối lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn là việc ứng dụng nền tảng Đại học số của Học viện; từ đó tối ưu các nguồn lực, chuyển đổi cách thức đào tạo trên môi trường số để rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra.
“Sinh viên CNTT của Học viện hiện đã được trang bị kiến thức toàn diện và chuyên sâu nhưng còn ít có động lực “sưu tập” các chứng chỉ chuyên môn quốc tế. Hệ thống các chứng chỉ quốc tế sẽ là điểm “key” của sinh viên theo học chương trình Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong chương trình đào tạo mới này của nhà trường”, ông Ngô Quốc Dũng cho hay.
Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của PTIT là 4.345 cho cả 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM, với 16 ngành, chương trình đào tạo. Trong đó, CNTT định hướng ứng dụng và Kỹ thuật dữ liệu là 2 chương trình đào tạo mới được trường mở và tuyển sinh từ năm nay.
Trong nội dung vừa được điều chỉnh của Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, PTIT cũng công bố chỉ tiêu của chương trình chất lượng cao trình độ đại học ngành CNTT là 100. Theo đó, năm nay sinh viên có nhu cầu theo học chương trình chất lượng cao ngành CNTT của PTIT sẽ đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo mã ngành riêng “7480201_CLC” tương tự như xét tuyển các ngành đào tạo đại trà, với 2 tổ hợp xét tuyển là Toán, Lý, Hóa (A00); Toán, Lý, Anh (A01) trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Nguyên tắc xét tuyển chương trình này cũng tương tự như xét tuyển các ngành đào tạo đại trà.