Theo đại diện Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech - đơn vị có hơn 20 năm đào tạo lập trình tại Việt Nam, số lượng sinh viên IT từ các đại học/cao đẳng học bổ trợ tại Aptech chiếm tới 30% tổng số sinh viên của trường. Trong đó, có cả sinh viên IT học song song để củng cố kiến thức hoặc cập nhật thêm các kỹ năng, công nghệ mới.
Thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm
Theo Báo cáo thị trường IT VN mới nhất của TopDev, chỉ có 35% trong tổng số 57.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp đại học/cao đẳng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi 65% sinh viên còn lại không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức công nghệ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế, tiếng Anh…
Nhận thức được rằng không phải cứ học ngành nổi, trường “xịn” thì khi tốt nghiệp con đường sẽ trải hoa hồng, Vương Hữu Hưng (sinh năm 2002) - sinh viên khoa Khoa học máy tính (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chọn học thêm chương trình đào tạo lập trình bên ngoài từ năm nhất để sớm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và có thể đi làm từ năm 3-4.
Năm 2 đại học, Hưng đã hoàn thành học kỳ 1 tại Aptech và nắm được kiến thức cơ bản về lập trình, biết cách tạo ra 1 website hoàn chỉnh. Ngoài tham gia làm dự án cùng giảng viên của trường, Hưng có thêm công việc lập trình web part-time với thu nhập ổn định.
Lê Thành Duy (sinh năm 1999) - từng học song song CNTT tại Học viện Bưu chính viễn thông và chương trình lập trình tại Aptech cho biết: “Thời điểm năm 2 đại học, mình nhận ra bản thân chưa có kiến thức về CNTT nên đã cùng bạn học bổ trợ về lập trình bên ngoài”.
Sau 2 kỳ học lập trình, Duy đã có kỹ năng cần thiết để đi làm vì có kinh nghiệm làm 2 dự án thực tế tại Aptech và sử dụng thành thạo những ngôn ngữ lập trình mà doanh nghiệp cần. Sau khi tốt nghiệp đại học, Duy đã nhanh chóng được tuyển dụng vào một doanh nghiệp phần mềm.
Củng cố kiến thức về CNTT
Trong khi kiến thức mới trên trường ngày càng khó, yêu cầu sinh viên phải nắm chắc kiến thức cũ, quy chế về học bổ trợ tại một số đại học cũng chưa thuận tiện, nhiều sinh viên đã tìm đến các chương trình học thực chiến để củng cố kiến thức một cách nhanh chóng, cô đọng và thực tế.
Ông Lương Trung Kiên - Giám đốc Đào tạo Aptech cho biết: “Với một số sinh viên bị “hổng” kiến thức, sau khi học tại Aptech, nếu điều chỉnh lại thái độ học tập, chú tâm tiếp thu và thực hành kiến thức có thể nhanh chóng bắt kịp, thậm chí là vượt bạn bè. Bởi các bạn có lợi thế là học đến đâu thực hành đến đó, hiểu và biết cách áp dụng kiến thức vào thực tế”.
Việc học bổ trợ bù đắp cho sinh viên những “khoảng trống” về kiến thức, thời gian, mối quan hệ và trải nghiệm. Hữu Hưng và Thành Duy đều cho rằng, chương trình học tại các đơn vị đào tạo lập trình và đại học là 2 cách học bổ trợ cho nhau. Trường đại học tập trung nhiều vào kiến thức hàn lâm, nền tảng để học các ngôn ngữ. Trong khi ở Aptech được thực hành nhiều, học chuyên sâu về những công nghệ đang thịnh hành và chú trọng cập nhật những công nghệ mới mà doanh nghiệp cần.
Doãn Phong