Từng là sinh viên có số điểm thấp nhất lớp, Lê Xuân Khoa đã quyết tâm chinh phục học bổng du học và bảo vệ xuất sắc bằng tiến sĩ chuyên ngành Năng lượng và Công trình xây dựng tại ĐH Ulster (Anh).
Mới đây, theo thông báo của ĐH Bách khoa Hà Nội, Trần Hồng Nhật đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, nhận học bổng Khuyến khích học tập loại A với GPA 3.95/4.0. Nam sinh cũng “thú thật” mình có một đam mê rất khác biệt là thích thi cử.
Luôn thích thử thách bằng những điều khó nhất
Năm lớp 10, Hồng Nhật từng thi thử một số trường chuyên của Hà Nội. Dù có IELTS 8.0, thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Nhật vẫn quyết định theo học lớp chuyên Vật lý của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam để thử thách bản thân. Đến năm lớp 11, nam sinh được lựa chọn cùng các anh chị lớp 12 tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý. Năm ấy, Nhật đoạt giải Ba quốc gia.
Đây vốn là lợi thế để Hồng Nhật có thể đoạt giải cao hơn nếu tiếp tục quay trở lại kỳ thi này một lần nữa. Tuy nhiên, Nhật quyết định dừng lại để chinh phục một thử thách khác.
“Em đã dành cả năm lớp 12 tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và đặt mục tiêu phải vào được ngành khó nhất, có điểm chuẩn cao nhất. Quá trình ấy giúp em học được rất nhiều thứ, lấp đầy lỗ hổng kiến thức trong suốt quãng thời gian đi học đội tuyển mà em còn thiếu hụt”, Nhật nói.
Với điểm số 28,65, Hồng Nhật đỗ vào ngành Khoa học máy tính – ngành học “hot” nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong lớp của Nhật khi ấy chỉ có em và 2 người bạn khác theo học đại học trong nước, số còn lại đều lựa chọn đi du học.
“Học ngành Khoa học máy tính, em nghĩ phần kiến thức bậc đại học ở Việt Nam cũng tương đương với nước ngoài, do đó em thấy mình chưa nhất thiết phải đi du học ngay”.
Ngoài ra, việc lựa chọn Bách khoa một phần vì Nhật thấy mẹ em – “dân Bách khoa” từng học ngành Kỹ thuật Hóa học, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Viện Vật lý Kỹ thuật, người từng dạy Nhật khi còn ở đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý hay nhiều cựu sinh viên khác Nhật từng có dịp học tập, trao đổi… đều có một điểm chung là làm việc rất nghiêm túc, có tác phong công nghiệp.
“Em cũng mong muốn mình sẽ trở thành con người như thế”, Nhật nói.
Vào trường, trong khi nhiều bạn phải chật vật để qua môn, Nhật tự đúc rút cho mình những “bí kíp” để giữ được thành tích nằm trong top đầu của lớp.
Trải qua 4 kỳ học với 2 kỳ đạt học bổng loại A, Nhật luôn ưu tiên việc phải chuẩn bị đầy đủ tài liệu cho các môn học.
“Việc chuẩn bị tài liệu không nhất thiết phải làm ngay trước khi môn học bắt đầu mà có thể sau 1 -2 buổi, khi thầy cô giới thiệu xong các tài liệu phục vụ cho môn học. Em nghĩ rằng dù có giỏi đến mấy cũng không thể nào tiếp thu được toàn bộ kiến thức và không tránh khỏi những buổi ngồi trên lớp “như vịt nghe sấm”. Đó là điều rất bình thường và cần phải có đầy đủ tài liệu để tự nghiên cứu sau buổi học”, Nhật nói.
Một bí kíp khác Nhật luôn duy trì áp dụng là phải đi học đầy đủ để biết thầy cô nhấn mạnh vào những vấn đề nào. Dựa trên tài liệu có được, Nhật sẽ đào sâu tìm tòi và tự mở rộng kiến thức.
Cuối cùng, phải có những người bạn đồng hành, vì “một người dù giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi những sai sót trong quá trình học. Với khối lượng kiến thức khổng lồ, những người bạn có thể hỗ trợ và lấp đầy những lỗ hổng hoặc vướng mắc trong quá trình ôn tập, làm bài”.
Nhật thẳng thắn cho rằng: “Để được điểm cao ở Bách khoa mới khó, còn để qua môn không khó. Em chưa từng thấy ai có học mà bị trượt môn cả, trừ khi vi phạm quy chế thi”.
Đam mê khác biệt: Thích thi cử
Không chỉ riêng Bách khoa, theo Hồng Nhật, khi học ở bất cứ ngôi trường nào, môn phía trước luôn là nền tảng cho các môn học phía sau.
Do đó, nếu bị mất đà ở một số môn hoặc một học kỳ nào đó, khả năng không theo kịp những chặng sau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, có không ít trường hợp sinh viên nợ môn đến tận năm thứ 6.
“Cho nên, điều quan trọng mình phải cố gắng tập trung ngay từ năm nhất, xây dựng nền tảng vững chắc ngay từ đầu, như vậy từng bước đi lên sẽ chắc chắn hơn. Nếu “thả lỏng” 1-2 năm đầu, nghĩ rằng đến năm thứ 3 học vẫn chưa muộn, sẽ rất khó gỡ lại vào những năm cuối”, Nhật nói.
Luôn thích chinh phục, thử thách bản thân, Nhật còn tự tạo áp lực cho mình bằng việc… thử đăng ký học thật nhiều tín chỉ. Học kỳ vừa qua, Nhật vẫn đạt học bổng khuyến khích của trường dù đăng ký đến 20 tín chỉ, trong khi chỉ cần 15 tín/kỳ sẽ ra trường đúng hạn.
Nhật cho biết bản thân thích cảm giác thi cử, nhất là khi bước vào phòng thi. Sự căng thẳng, áp lực mang lại “hưng phấn” khi làm bài. “Thông qua việc thi cử, em cũng có dịp để kiểm tra xem mình đã hiểu hết kiến thức chưa, mình đang đứng ở đâu và cần phải khắc phục điều gì”.
Điều nam sinh tiếc nuối nhất là không thể tham dự đội tuyển Olympic Vật lý của trường vì theo quy định, sinh viên có giải quốc gia sẽ không được dự thi sân chơi này. Vì thế, Nhật tiếp tục tìm cho mình sân chơi nghiên cứu khoa học, bắt đầu bằng việc xin làm trợ lý nghiên cứu tại các lab.
“Em dự định sẽ học thêm về tài chính - ngân hàng, sau đó sẽ thử sức với lĩnh vực mới như làm IT trong ngân hàng hoặc làm về trí tuệ nhân tạo trong tài chính ngân hàng”, Nhật nói về kế hoạch tương lai.