Bobby Charlton là người sống sót sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Munich mùa đông năm 1958. MU, đội bóng Anh đầu tiên giành cúp châu Âu, được tái lập xung quanh ông vào năm 1968.

Trên đường đi, ông cùng đội tuyển Anh tỏa sáng trong suốt giải đấu World Cup 1966, đặc biệt là trận chung kết ở thánh địa Wembley. Không có khoảnh khắc nào thiêng liêng hơn trong ký ức về bóng đá ở Quần đảo Anh, và Bobby Charlton là một huyền thoại.

Sir Bobby Charlton là mẫu cầu thủ kín đáo. Ông là cầu thủ người Anh mà Pele, Ferenc Puskas và Alfredo Di Stefano kính trọng nhất vào buổi bình minh của bóng đá chuyên nghiệp, giàu tính truyền thuyết.

Không chỉ giành được Quả bóng Vàng, Charlton còn nâng tầm bóng đá của mình lên trên bất kỳ giai thoại nào.

Những lọn tóc vàng thất thường trên mái đầu hói đôi khi như rối loạn, nhưng trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng. Trong mắt người hâm mộ, ông hiện diện vượt trội, đúng giờ, cân đối và hài hòa, luôn mạnh mẽ ở bất cứ nơi nào trên sân cỏ.

Ông thống trị không gian như một ảo thuật gia. Với quả bóng, Charlton là bậc thầy về đường chuyền. Không có bóng, ông không ngừng thể hiện mình bằng khả năng di chuyển thông minh. Ông mạnh mẽ, ngoan cường, kỷ luật.

Giống như một người Anh quý tộc, ông vui vẻ thực hiện những động tác khó khăn nhất với vẻ bỉnh thản và hoàn toàn tự nhiên.

"Lời nói không bao giờ là đủ", thông điệp của MU trên mạng xã hội về việc Charlton qua đời đã nói lên tất cả. Địa vị của ông với tư cách là thành viên trọn đời trong ban giám đốc CLB tương ứng với địa vị như một huyền thoại tối cao tại Old Trafford.

Trong bộ vest len ​​màu xanh, giống như một đô đốc, Charlton luôn đến SVĐ miễn là sức khỏe cho phép. Đám đông nhường đường để ông bước đi. Rất ít người dám ngắt lời ông. Cho đến vài năm trước, khi trí nhớ bắt đầu suy giảm, ông vẫn giữ chức cố vấn trong BGĐ.

Tiếng nói của ông, cùng với tiếng nói của Sir Alex Ferguson, mang lại ý nghĩa cho các chiến lược của CLB bóng đá có nhiều người theo dõi nhất Premier League (cũng như trên thế giới). Điều đó chắc chắn không phải là ngẫu nhiên.

Khi Charlton không còn ảnh hưởng trong các quyết định chuyên môn, những bản hợp đồng lớn được thực hiện - gồm cả trường hợp như Jose Mourinho - khiến MU mất đi phương hướng cùng bản sắc, và hiện vẫn đang cố gắng phục hồi.

Truyền thống gia đình

Sir Charlton sinh ra ở Ashington, Northumbria, nơi ảm đạm và ẩm ướt nhất nước Anh. Cái nôi của một số tín đồ bóng đá trung thành nhất.

Trong số những ấn tượng đầu tiên của Bobby nổi bật là một buổi tối tại rạp chiếu phim thị trấn, nơi ông cùng với anh trai Jack tham dự buổi chiếu bộ phim Pathé News về trận ra mắt của chú Jackie Milburn trong màu áo Anh, thắng Bắc Ireland 6-2.

Từ nhánh phả hệ của mẹ, thuộc gia đình Milburn nổi tiếng, còn có Jack, George, Jim và Stan. Một chòm sao của các nhân vật đến từ Leeds, Leicester và Chesterfield. Trong gia đình, anh trai Jack của ông là một cầu thủ xuất sắc của Leeds.

Charlton chắc chắn đã đến một CLB phía bắc nước Anh nếu không có sự kiên trì của tuyển trạch viên MU, những người đã thuyết phục được người mẹ để ông ra đi khi mới 16 tuổi.

Với lựa chọn này, sự nghiệp ổn định của kỹ sư điện bị cắt đứt và sự nghiệp bấp bênh của cầu thủ bóng đá bắt đầu, khi việc kiếm sống bằng quả bóng dường như là điều viển vông. Không thiếu những nguy hiểm.

8 đồng đội của Charlton thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Munich, trên đường trở về sau trận đấu thuộc Cúp C1 châu Âu tại Belgrade. Ông bình phục chấn thương kịp thời để tham dự World Cup ở Thụy Điển, vài tháng sau đó.

Trên nền tảng Bobby, HLV huyền thoại Matt Busby xây dựng lại MU. Với George Best và Denis Law, họ hình thành bộ ba được báo chí đặt tên Holy Trinity (hay United Trinity; có bức tượng được dựng bên ngoài sân Old Trafford).

Họ cùng nhau giành cúp châu Âu vào năm 1968, đều được nâng cao danh hiệu Quả bóng Vàng cao quý.

Không ai có nguồn lực dồi dào hơn Charlton, người chơi 758 trận cho MU, một kỷ lục mà chỉ Ryan Giggs đánh bại được một thập kỷ trước. Ông ghi 249 bàn cho CLB áo đỏ, từng là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại cho đội tuyển Anh - với 49 bàn, cho đến khi Wayne Rooney vượt qua anh vào năm 2015 (kỷ lục hiện thuộc về Harry Kane, 61 bàn).

"Cảm giác kỳ lạ và tuyệt vời nhất mà tôi từng có với tư cách là một cầu thủ bóng đá", Charlton nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình.

"Đó là ít nhất một ngày tôi có mọi thứ tôi cần để thể hiện tốt nhất bản thân mình. Hầu hết mọi pha chạy, mọi đường chuyền, mọi pha nhử đòn đều chứa đựng sự chắc chắn. Tôi cảm thấy như mình có thể chạy mãi mãi, ngay cả khi Franz Beckenbauer theo sát, người mà tôi nghĩ mình đã chia sẻ từng sải bước và từng nhịp tim".

Trận đấu Charlton - Beckenbauer vào ngày 30/7/1966 được coi là Cựu Ước của bóng đá Anh, với chiến thắng 4-2 cho Tam sư và chức vô địch World Cup duy nhất cho đến nay.

Ở tuổi 86, Charlton đi về thế giới khác nhưng tư liệu về ông sẽ tồn tại mãi mãi như tài liệu tham khảo quan trọng của lịch sử bóng đá.