Như VietNamNet đã đưa tin, thời gian qua, lượng tiêu thụ mặt hàng di động tại thị trường Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm mạnh.
Theo số liệu của GFK, doanh số thị trường di động Việt 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt dưới 2.5 triệu chiếc, giảm xấp xỉ 30% so với 3.5 triệu chiếc ở cùng kỳ năm 2022.
Thị trường di động Việt ảm đạm ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán do xu hướng cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm, bất chấp nhiều hệ thống bán lẻ tung ra các chương trình khuyến mãi giảm sâu.
Nhận định này một lần nữa được chứng minh khi trong số liệu của International Data Corporation (IDC) về thị trường smartphone toàn cầu quý IV năm 2022, tổng doanh số smartphone bán ra trong 3 tháng cuối năm ngoái giảm 18.3% so với cùng kỳ 2021. Đây là bước sụt giảm lớn nhất về doanh số smartphone trong một quý kể từ năm 2013.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện truyền thông một chuỗi bán lẻ lớn cho biết, ở mảng điện thoại Android tầm trung và thấp, bức tranh ảm đạm đã được nhận thấy từ đầu năm 2022, khi những diễn biến xấu của nền kinh tế thế giới bắt đầu nhen nhóm.
Thu nhập của tầng lớp bình dân, công nhân, người lao động thường bị ảnh hưởng đầu tiên mỗi khi kinh tế biến động. Đây cũng là nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu của phân khúc điện thoại tầm trung.
Thực tế cho thấy, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến nay, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt, giảm đơn hàng.
Hệ lụy là hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.
Từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75%), chủ yếu tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Theo chia sẻ của một hệ thống bán lẻ lớn, chính những khó khăn về kinh tế của nhóm khách hàng thu nhập thấp đã khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm điện thoại có giá dưới 5 triệu giảm liên tiếp suốt cả năm 2022.
“Ước tính từ hệ thống của chúng tôi, lượng khách hỏi mua điện thoại trong phân khúc dưới 5 triệu ở thời điểm tháng 12/2022 chỉ bằng 47% so với tháng 1 cùng năm. Phân khúc 5-10 triệu cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự. Lượng điện thoại bán ra tháng 12/2022 ước tính chỉ bằng 55% so với tháng 1/2022”, vị chuyên gia này cho biết.
Bước vào năm 2023, xu hướng này một lần nữa lặp lại khi sau tết, thị trường smartphone giá rẻ vẫn ế người mua. Việc tiêu thụ các dòng máy dưới 10 triệu có chiều hướng tương tự như ở cuối năm 2022, tức giảm từ 50-60% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với sự đi xuống của thị trường smartphone bình dân, cả các hãng sản xuất, đại lý phân phối và phía nhà bán lẻ đều đang phải đối mặt với bài toán khó khăn về chi phí, dòng tiền.
Do vậy, việc tăng hoặc ít nhất giữ doanh số để duy trì dòng tiền đang được xem là một hành động chiến lược. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà bán lẻ phải đưa đến quyết định “cắt lỗ” một số dòng máy tầm trung và thấp bằng cách giảm giá bán từ 10-15%.
Doanh số thị trường smartphone được dự đoán chỉ có thể dần khởi sắc vào quý 3 năm nay, giai đoạn các nhà sản xuất bắt đầu tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới.
Lê Trang