Nằm tại khu vực đẹp nhất của trung tâm thương mại Donlim Emperor Court, thành phố Phật Sơn, Trung Quốc là một gian hàng hơn 150 m2 của Huawei. Cửa hàng này còn được coi như niềm tự hào của trung tâm thương mại, thường xuyên được đưa vào những hình ảnh quảng cáo.
Tuy nhiên, cửa hàng này đã đóng cửa trước Tết Âm lịch vừa qua. Những gì còn lại chỉ là một cây thông giáng sinh và vài đồ nội thất. Theo South China Morning Post, cửa hàng của Huawei đã đóng cửa chỉ 8 tháng kể từ ngày khai trương.
Huawei khó giữ ngôi vị ở Trung Quốc
Việc đóng cửa hàng quá sớm có thể là dấu hiệu cho thấy sức hút sản phẩm Huawei tại Trung Quốc đang đi xuống. Trước đó, công ty này đã thông báo với những nhà cung cấp linh kiện rằng số lượng smartphone dự kiến xuất xưởng trong năm 2021 sẽ giảm tới 60% so với sản lượng 2020.
Do các hạn chế công nghệ từ Mỹ, Huawei không thể tiếp cận nhiều linh kiện quan trọng. Theo Eddie Cen, quản lý thuê gian hàng tại Donlim Emperor Court, chủ gian hàng Huawei thừa nhận họ không có thiết bị để bán. Nhà phân phối này còn cho biết đã phải đóng 9 cửa hàng trong thời gian qua.
Cửa hàng Huawei tại Phật Sơn đã bị đóng, chỉ còn lại những nội thất trơ trọi. (Ảnh: SCMP) |
Trên khắp Trung Quốc, nhiều cửa hàng điện thoại cũng không nhập được hàng từ Huawei. Thay vào đó, họ lựa chọn tư vấn và bán các nhãn hiệu khác của Trung Quốc như Oppo, Vivo và Realme.
Đây là tình thế trái ngược so với năm 2020, khi người dùng nội địa ủng hộ Huawei trước những hạn chế từ Mỹ. Hãng này cũng bán được rất nhiều smartphone cao cấp, với biên lợi nhuận lớn hơn các thương hiệu khác. Đó là lý do các nhà bán lẻ thường ưu tiên smartphone Huawei.
SCMP cho rằng với người dùng Trung Quốc, Huawei được xem như một niềm tự hào. Chính sự ủng hộ từ thị trường nội địa giúp công ty này vượt qua Samsung trong quý III/2020, trở thành hãng smartphone bán chạy nhất toàn cầu.
Hình ảnh các cửa hàng Huawei bị đóng đã trở nên quen thuộc. (Ảnh: SCMP) |
Đến hết quý IV/2020, Huawei vẫn là thương hiệu smartphone bán chạy nhất Trung Quốc, theo số liệu của Canalys. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ thay đổi khi họ không có máy để bán cho khách hàng.
Huawei đã chuẩn bị sẵn một lượng linh kiện trước khi bị Mỹ cấm vận vào tháng 5/2019, và lượng linh kiện đó đủ để hãng sản xuất smartphone đến thời gian qua. Tuy nhiên, hạn chế về chuỗi cung ứng vào tháng 8/2020 thực sự khiến Huawei cạn kiệt nguồn chip.
Khan hàng, smartphone Huawei trở thành của hiếm
Điều đó khiến Huawei buộc phải giảm sản lượng smartphone. Năm 2020, hãng này xuất xưởng được 189 triệu smartphone. Con số đó trong năm nay dự kiến chỉ từ 70-80 triệu máy, theo IDC.
"Hầu hết cửa hàng bán lẻ đều đang hết hàng. Huawei thường phân phối hàng cho đại lý dựa trên số lượng bán ra, và giờ đây cả những cửa hàng lớn cũng chật vật mới có hàng. Cửa hàng nhỏ thì không có hàng luôn", Ethan Qi, nhà phân tích tại Counterpoint Research nhận xét.
Mở cửa hàng chuyên bán đồ Huawei vào năm 2020 là "tính toán sai lầm của nhiều người", theo nhận xét của Tony Zhang, chủ cửa hàng bán điện thoại tại Phật Sơn.
Tại chợ điện tử Hoa Cường Bắc, một trong những khu chợ sầm uất nhất Thâm Quyến, cả 5 cửa hàng mà SCMP ghé thăm đều không có Mate X2, mẫu smartphone gập mà Huawei giới thiệu vào tháng trước.
Tại các chợ điện tử như Hoa Cường Bắc, smartphone Huawei trở thành hàng hiếm, với mức giá bị đội lên nhiều so với giá niêm yết. (Ảnh: SCMP) |
Sự khan hàng khiến mức giá của chiếc Mate X2 tăng gấp rưỡi ở những cửa hàng bán lẻ. Hầu hết người dùng tìm mua mẫu smartphone gập vì sự độc đáo.
Đối với các dòng smartphone phổ biến hơn như Mate 40 Pro, dù mới ra mắt tháng 12/2020, mẫu máy này đã hết hàng.
"Nếu lấy Mate 40 Pro màu vàng, cửa hàng tôi chỉ còn 1-2 chiếc", chủ một cửa hàng cho biết.
Deng, chủ một cửa hàng thường xuyên đăng video trên nền tảng Xigua, cho biết ông vừa phải đóng cửa hàng Huawei của mình tại Tứ Xuyên chỉ sau 9 tháng. Theo chia sẻ của Deng, lượng máy Huawei nhập về được bắt đầu giảm mạnh vào tháng 9/2020. Có khi cửa hàng chờ 10 ngày mới có một đợt sản phẩm mới về.
"Ngày nào tôi cũng chỉ cầu có hàng về", Deng cho biết trong một video.
Theo Tencent News, lượng chip Kirin 9000 mà Huawei đã nhập về trước lệnh hạn chế đủ để làm một lượng nhỏ các mẫu P50, Mate 50 trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn dòng smartphone tầm trung trở xuống của hãng đã ngừng sản xuất.
Những mẫu cao cấp như Huawei Mate X2 trở thành món hàng hot, được nhiều người săn lùng. (Ảnh: Gizchina) |
Vì khan hàng, smartphone Huawei trở thành của hiếm. Ben Xu, chủ một doanh nghiệp tại Quảng Đông cho biết ông phải trả thêm 500 tệ cho mỗi chiếc Huawei mua vào cuối năm ngoái, vì đã hứa sẽ tặng máy cho nhân viên.
"Không thể nào mua được điện thoại Huawei qua kênh thông thường", Xu cho biết.
Hiện nay smartphone Huawei vẫn được nhiều người yêu thích, như mẫu Mate X2 bán hết chỉ sau vài phút mở hàng. Tuy nhiên, lượng người hâm mộ Huawei có thể sẽ biến mất trong tương lai.
"Oppo và Vivo đang có chiến lược bán lẻ rất mạnh. Họ sẽ là những cái tên hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình của Huawei. Realme cũng đang cho thấy ý định khẳng định tên tuổi trên thị trường", nhà phân tích Ethan Qi của Counterpoint Research nhận định.
(Theo Zing)
Huawei tuyên bố tham gia vào một nửa số mạng 5G toàn cầu
Theo công bố của ông Ryan Ding – Giám đốc điều hành của Huawei, trước sự kiện MWC Thượng Hải 2021 cho biết, Huawei đã xây dựng hơn một nửa trong số hơn 140 mạng 5G thương mại được triển khai tại 59 quốc gia trên thế giới.