Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc tổ chức dạy học tiếng Anh trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp những khó khăn.
Các con số về nhu cầu giáo viên tiếng Anh chưa được tính đúng với nhu cầu thực tế khi 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ (số học sinh tăng cơ học hàng năm rất lớn và không thể dự báo trước được vì phụ huynh di dời chỗ ở theo công ăn việc làm, có nghĩa là khi không có việc, họ rút con về quê).
Vì vậy, khi thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục-Đào tạo, nhà trường không thể tuyển giáo viên hợp đồng vì không có kinh phí.
Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn chưa đồng đều ở các trường, việc thiếu phòng học dẫn đến việc xây dựng “phòng học tiếng” còn hạn chế.
Lương của giáo viên tiếng Anh còn thấp (lương của giáo viên mới ra trường khoảng hơn 3 triệu đồng), số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần), nên các quận huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa xôi khó khăn.
Ở các nơi này, việc tuyển giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như là không thể thực hiện được, việc tuyển giáo viên mới và đào tạo lại để các giáo viên này có kỹ năng dạy tiếng Anh tiểu học phải tiến hành liên tục hàng năm, dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.
Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của giáo viên dạy tiếng Anh vì dạy tiếng Anh tiểu học rất “cực”, không thể dạy 23 tiết nghĩa vụ/tuần với số lương trên 3 triệu 1 tháng (chỉ khoảng 18 tiết/tuần là vừa đủ). Điều này sẽ khiến không tuyển được giáo viên mới và giữ được giáo viên giỏi.
Hiện TP.HCM có các chương trình giảng dạy tiếng Anh gồm: tiếng Anh tăng cường trên 2 tiết/tuần đối với các chương trình lớp 1, 2 và lớp 3 (2022-2023) sau 2 tiết tự chọn của Bộ GD-DT;
Tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần đối với các chương trình lớp 4, 5 (chưa thay đổi so với Chương trình phổ thông 2018);
Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (8 tiết/tuần);