Nằm ven sông Hồng, làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê có tuổi đời hơn 800 năm và được xem là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh Việt Nam. 8 thế kỷ qua, trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay theo thời cuộc nhưng sản phẩm làng nghề vẫn giữ được nét đặc sắc xưa, đồng thời mở rộng thêm nhiều phân khúc sản phẩm khác, chủng loại hoa, cây cảnh đa dạng, thiết kế tiểu cảnh, nhà vườn…
Nghề trồng hoa, cây cảnh không chỉ là sinh kế mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân mà còn làm nên dấu ấn văn hóa của làng nghề truyền thống ở vùng châu thổ sông Hồng phì nhiêu, màu mỡ.
Nhanh nhạy bắt nhập xu thế thị trường mới, những năm gần đây người dân làng nghề nhanh chóng chuyển đổi, phát triển bán hàng công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube…
Hiệu quả của việc kinh doanh qua mạng đã giúp các nhà vườn, người làm cây cảnh duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt; dễ dàng nhắn tin trao đổi với khách hàng mà không tốn chi phí…
Người dân nhanh chóng học các kỹ năng quay phim, chụp ảnh và viết lời bình mô tả sản phẩm giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến để thu hút khách hàng. Gần 100% hộ dân trong làng nghề đều áp dụng hình thức bán hàng qua mạng và kinh doanh hiệu quả hơn nhờ giới thiệu thông tin sản phẩm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì khi sử dụng Facebook, Zalo, Youtube để kinh doanh chuyên nghiệp cũng đã xuất hiện rất nhiều bất lợi cho người bán hàng; kinh doanh khó bền vững, đặc biệt là cạnh tranh thiếu lành mạnh gây mất uy tín làng nghề, như khi chủ tài khoản đạt được số lượng khách hàng đông với lượng theo dõi và tương tác lớn thì lại bị Facebook “bóp” tương tác, hạn chế các bài viết quảng cáo bán hàng khiến thông tin của nhà vườn không đến được với khách hàng.
Thậm chí, các hình ảnh, thông số kỹ thuật, bài viết giới thiệu sản phẩm tâm huyết, có chất lượng chuyên nghiệp bị “đánh cắp” để quảng cáo bán hàng cùng chủng loại tương tự nhưng phẩm cấp thấp… Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho chủ vườn mà còn giảm sút uy tín sản phẩm làng nghề.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ cửa hàng cây cảnh bonsai Thái Thủy, làng Vị Khê bộc bạch: Gia đình tôi làm chuyên cây tùng la hán bonsai, việc bán hàng qua mạng đang chiếm ưu thế hơn hẳn lối bán truyền thống, bởi có thể quảng bá cây nhỏ, thường xuyên thay đổi mẫu mã kiểu dáng từ cây đến chậu và tiểu cảnh trang trí.
Hơn thế nữa, việc quay hình trực tiếp mẫu cây, ngoài cung cấp thông số kỹ thuật cơ bản cho người xem, chúng tôi còn có thể kết hợp giới thiệu nhiều hơn về tích cây, ý nghĩa dáng thế cũng như các tiểu cảnh đi cùng.
Tuy nhiên, những hình ảnh và video làm rất dày công của chúng tôi khi đăng lên thường bị nhiều thương lái ở nơi khác lấy cắp để dùng cho sản phẩm (phẩm cấp thấp) của họ làm giảm uy tín nhà vườn mà chúng tôi không hề biết. Khi khách hàng phản hồi chúng tôi mới biết đến tình trạng này nhưng cũng chẳng biết cách nào để ngăn chặn.
Nặng nề hơn là tình trạng bị hack, “cướp” các trang bán hàng tốt khiến chủ vừa mất tài sản “tài nguyên” số và lượng khách hàng quen thuộc bao lâu gây dựng được, vừa bị mượn danh để lừa khách hàng…
Anh Trương Minh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc xanh Nam Điền cho biết: “Gia đình tôi theo nghề hoa, cây cảnh đến nay đã hàng trăm năm. Với uy tín của thương hiệu làng nghề, đời ông cha chúng tôi chỉ cần chịu khó, nắm vững kỹ thuật, chăm chút cây cảnh cho chỉn chu là khách hàng tự tìm đến mua.
Ngày nay, sản phẩm của chúng tôi ngày càng phát triển, từ chỉ làm cây cảnh, cây thế đến thiết kế sân vườn, hồ cá, thảm cỏ, tiểu cảnh trang trí nội, ngoại thất...
Đặc biệt đến nay dưới tác động thị trường và công nghệ số, chúng tôi phải chuyển đổi, số hóa thông tin sản phẩm thông qua hình ảnh, video và nhiều công cụ hỗ trợ khác để quảng bá sản phẩm, minh bạch thông tin, thậm chí là chốt hợp đồng, thanh toán trực tuyến, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho đối tác.
Chúng tôi rất cần một nền tảng số ứng dụng hỗ trợ quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp chứ không chỉ là giao diện mạng xã hội với nhiều hạn chế thông tin và nguy cơ dễ dàng bị đánh cắp khi chúng tôi đã dày công tạo dựng”.
Thực tế thì việc kinh doanh chuyên nghiệp trên mạng xã hội nhưng cách làm tự phát đã bộc lộ nhiều hạn chế như tính bảo mật không cao; khó xây dựng thương hiệu lâu dài; rất dễ bị mất uy tín do cạnh tranh không lành mạnh từ các bạn hàng... tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Nắm bắt tâm tư và những khó khăn của làng nghề trong quá trình “hội nhập” kinh tế số, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã phối hợp với Công ty TNHH IOTLink; UBND xã Điền Xá và Hiệp hội Cây cảnh Điền Xá triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê” trên nền tảng bản đồ số.
Sở TT và TT chủ trì phối hợp với Công ty TNHH IOTLink xây dựng phần mềm quảng bá hoa, cây cảnh cho làng nghề Vị Khê trên nền tảng bản đồ số; hướng dẫn các hộ dân làng nghề số hóa các thông tin về địa chỉ, tọa độ cơ sở kinh doanh; dữ liệu cây cảnh bằng mã QR để khách hàng có thể xem hình ảnh 3D, 4D của sản phẩm cây cảnh mình ưa thích ở mọi góc nhìn cũng như biết được thông tin cụ thể về tên gọi, độ tuổi, chủng loại, dáng thế và giá bán.
Ứng dụng được thiết kế giao diện thân thiện theo từng nhóm sản phẩm hoa, cây cảnh. Đồng thời tập huấn các kỹ năng sản xuất hình ảnh 3D, kỹ năng cập nhật thông tin và trao đổi thương mại giữa nhà vườn và khách hàng cho người dân làng nghề.
Hơn 40 hộ dân làng nghề đại diện cho hơn 10 dòng sản phẩm độc đáo (cây cảnh công trình, cây bonsai, cây lá màu, lan, tùng, sanh, si, trà...) được chọn lựa đợt đầu sử dụng, khai thác phần mềm quảng bá sản phẩm hoa, cây cảnh để rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng.
Đến thời điểm hiện tại chỉ cần nhấp vào địa chỉ http://caycanhdienxa.namdinh.gov.vn, khách hàng trong và ngoài nước dễ dàng truy cập website chính thức của làng nghề hoa, cây cảnh Điền Xá.
Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi bởi từ nay, sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề Vị Khê được định vị trên bản đồ số; mỗi nhà vườn sở hữu một địa chỉ số; mỗi sản phẩm hoa, cây cảnh được định danh, định giá và minh bạch về các thông số kỹ thuật, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, trao đổi thông tin, mua bán sản phẩm.
Thành công bước đầu trong “số hóa” làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê đã khẳng định được vai trò của kinh tế số đối với sự phát triển của làng nghề truyền thống cũng như khả năng tiến hành “số hóa” thông tin các làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn.
Tuy nhiên để mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê” phát huy hiệu quả và tạo động lực kích thích các làng nghề truyền thống khác trên địa bàn chuyển đổi số, thì vấn đề quyết định lại nằm ở người dân làng nghề thông qua việc tuân thủ quy định về nguyên tắc hoạt động của phần mền; nắm vững kỹ thuật xử lý hình ảnh, thông tin và thường xuyên cập nhật thông tin, chăm chút nhà vườn của mình trên giao diện phần mềm thật đẹp để thu hút khách hàng tìm đến tham quan, mua sắm.
Điều này đòi hỏi người dân làng nghề Vị khê phải nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận kỹ năng quản lý, điều hành nhà vườn của mình trên môi trường mạng; trang bị kiến thức ngoại ngữ hoặc sử dụng các website dịch thuật để có thể dễ dàng quản lý, làm phong phú cho gian hàng của mình cũng như trao đổi thông tin với khách hàng ở cả trong và ngoài nước.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)