Đây là những lưu ý nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi họp báo công bố hoàn thành đề án Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất diễn ra ngày 11/1.

Số hoá truyền hình là bài học chuyển đổi để phát triển đất nước
Họp báo công bố hoàn thành đề án.

Công nghệ truyền hình đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ truyền hình cơ học đến truyền hình điện tử (đen trắng), sang truyền hình màu, đến nay là truyền hình số và trong tương lai có thể sẽ là truyền hình thông minh, truyền hình 3D.

Những ngày đầu tiên của năm 2021, Việt Nam vừa hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2451 ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trải qua 9 năm phấn đấu không mệt mỏi, đến nay Đề án số hóa truyền hình đã đạt và vượt tất cả các mục tiêu ban đầu đề ra, góp phần thực hiện cam kết của toàn khối ASEAN năm 2010 là tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự vào năm 2020.

Hoàn thành 4 mục tiêu lớn

Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất dẫn tăng 30 lần so với truyền hình tương tự. Vì vậy, đã giải phóng được 112MHz thuộc băng tần 700MHz – là băng tần “vàng” để phủ sóng 5G toàn quốc, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước.

Cùng với đó, đã mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, từ phủ trung tâm của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 (tương đương 20% dân số) đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương với 80% dân số), xuống đến huyện, xã, thôn, bản.

Ngoài ra, đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia là “sân” riêng của các Đài PTTH nhà nước. Nếu như năm 2011 chỉ có Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC làm truyền hình số mặt đất thì đến năm 2020 đã có 5 đơn vị làm, trong đó có 4 công ty cổ phần. Nguồn lực xã hội tham gia số hoá truyền hình đã đạt trên 50%.

Cuối cùng, 100% các đài PTTH địa phương đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hoá tập trung vào sản xuất nội dung chương trình. Cách đây 9 năm, tức là vào năm 2011 thì 100% các nhà đài vừa làm nội dung, vừa truyền dẫn, phát sóng.

Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ 5 hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự, 4 nước đã hoàn thành trước là: Brunei (2017), Singapore (2019), Malaysia (2019) và Thailand (đầu năm 2020), đều là các nước có qui mô dân số nhỏ hơn, và địa hình dễ phủ sóng hơn. Việt Nam đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN - hoàn thành việc tắt sóng trước năm 2020.

Việt Nam là nước thứ 78 trên 193 nước hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự. Tức là thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm.

Những “chìa khoá” thành công

Tắt sóng truyền hình tương tự là một việc khó, nhất là khi bắt đầu Đề án này năm 2011 - có đến 80% các hộ gia đình vẫn chưa có đầu thu kỹ thuật số. Việt Nam cũng là một nước lớn về dân số, đứng thứ 13-14 trên thế giới, địa hình lại phức tạp, nhiều đồi núi, làm cho việc số hoá truyền hình còn khó hơn nữa. Tuy nhiên những cách tiếp cận phù hợp đã góp phần thực hiện thành công Đề án. Đầu tiên là có lộ trình phù hợp.

Làm thí điểm trước tại Đà Nẵng, sau 3 năm chuẩn bị thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tắt sóng thành công. Tiếp theo là các thành phố lớn, thu nhập cao, sau đó là các tỉnh đồng bằng và cuối cùng là các địa phương miền núi.

Song song với đó là đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Công nghệ DVB-T2 được chọn khi mới chỉ có 6 nước chọn công nghệ này. Đây là công nghệ tiên tiến, vừa có chất lượng cao hơn, vừa tiết kiệm băng tần hơn. Thực tế đã chứng minh đây là lựa chọn đúng đắn khi năm 2020 này, 90% các nước sử dụng công nghệ DVB thì đều chọn công nghệ DVB-T2.

Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng quỹ VTCI để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo thiết bị thu kỹ thuật số. Đã có gần 2 triệu hộ gia đình được hỗ trợ với chi phí trên 1.000 tỷ đồng. Các hộ nghèo và cận nghèo đã được xem các chương trình truyền hình với chất lượng cao và miễn phí.

Cùng với đó là việc thiết lập riêng một tổng đài để tiếp nhận phản ánh và hỗ trợ các hộ dân trong quá trình chuyển đổi. Các khó khăn khi sử dụng công nghệ mới hoặc thiếu sóng truyền hình kỹ thuật số đã được trợ giúp và xử lý kịp thời.

Vì việc tắt sóng truyền hình liên quan đến hàng trăm triệu dân, trên 20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc, nên truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dân phải nhận thức được việc tắt sóng tương tự là để nâng cao chất lượng truyền hình, là để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp giúp nâng cao đời sống cho bà con, là để Việt Nam sánh vai với các nước khác để từ đó mà ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy công nghệ mới. 24 hội nghị tập huấn, mỗi quận/huyện có ít nhất 8 cán bộ được tập huấn, hệ thống loa phường xã đã liên tục và tích cực truyền thông về chương trình chuyển đổi từ sóng truyền hình tương tự sang sóng truyền hình số hoá.

Trong tương lai, việc chuyển đổi công nghệ trong nhiều lĩnh vực sẽ xảy ra. Những kinh nghiệm tốt của tắt sóng truyền hình tương tự và số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công hơn những chuyển đổi trong thời gian tới. Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải liên tục chuyển đổi, chuyển đổi để tiến tới những điều tốt đẹp hơn.

VietNamNet

Các tỉnh cuối cùng đã ngừng phát sóng truyền hình analog

Các tỉnh cuối cùng đã ngừng phát sóng truyền hình analog

Khi tắt sóng truyền hình tương tự (analog), người dân sẽ có 3 cách để xem truyền hình số là mua đầu thu chuẩn DVB T2/MPEG4, đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền hoặc mua tivi tích hợp sẵn đầu thu kỹ thuật số.