51 bộ, tỉnh đã đảm bảo an toàn thông tin "4 lớp"
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cục tập trung thời gian qua là hướng dẫn và thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
Yêu cầu bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình bảo vệ chuyên nghiệp 4 lớp đã được Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đưa ra trong Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019, bao gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.
Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, 100% bộ, ngành, địa phương triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp (Ảnh minh họa) |
Thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin cho hay, tính đến cuối tháng 8/2020, đã có 12/20 bộ, ngành và 39/63 tỉnh triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đạt 61,5%.
Kết quả triển khai kể trên tiếp tục cho thấy tỷ lệ này liên tục tăng nhanh trong 3 tháng gần đây, từ 19% trong tháng 6 lên 43% trong tháng 7 và đạt 61,5% vào cuối tháng 8/2020. Dù vậy, thời gian tới, Cục An toàn thông tin vẫn cần tiếp tục đẩy nhanh để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay 100% bộ, ngành, địa phương triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống theo mô hình 4 lớp.
Trước đó, trong các tháng đầu năm 2020, để đẩy nhanh tiến độ, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Được chính thức cho ra mắt vào đầu tháng 7/2020, những nền tảng SOC do doanh nghiệp Việt Nam phát triển đã và đang hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình “4 lớp”. Bởi lẽ, lựa chọn nền tảng cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin, các bộ, tỉnh sẽ bảo đảm hoàn thành 2 lớp quan trọng trong mô hình 4 lớp là lớp 2 và lớp 4.
Sự cố tấn công mạng vào Việt Nam tiếp tục giảm
Thông tin từ Cục An toàn thông tin cũng cho hay, trong tháng 8/2020, công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được đặc biệt chú trọng, thể hiện qua xu hướng liên tục giảm các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam dẫn đến sự cố.
Cụ thể, trong tháng 8/2020, Cục An toàn thông tin ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 517 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm 199 cuộc Phishing (tấn công lừa đảo), 160 cuộc Deface (tấn công thay đổi giao diện) và 158 cuộc Malware (tấn công cài mã độc), giảm 0,77% so với tháng 7/2020. Cùng với đó, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 2.013.867 địa chỉ, giảm 0,03% so với tháng 7/2020.
Trước đó, trong tháng 7/2020, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam giảm nhẹ 0,19%. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giảm của sự cố tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam là 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019.
Nguyên nhân số cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam và số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (botnet) trong 3 tháng gần đây liên tục giảm nhẹ, theo phân tích của các chuyên gia, là bởi đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) đã tiếp tục tăng cường việc ghi nhận, cảnh báo và tăng hướng dẫn xử lý để đảm bảo an toàn thông tin. Ngoài ra, còn do việc kiểm soát dịch Covid -19 trong nước đã được thực hiện tốt.
Vân Anh
“An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử”
Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT xác định rõ điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là đảm bảo an toàn, an ninh mạng.