Apple vừa công bố danh sách các nhà cung ứng toàn cầu năm 2023, cho thấy quan hệ với Trung Quốc ngày càng được củng cố, đồng thời mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo Nikkei, nó nhấn mạnh “táo khuyết” đang cố gắng cân bằng giữa chính trị và kinh doanh.

Phân tích của Nikkei chỉ ra Apple đã tăng cường số lượng các nhà cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc và nhà máy ở đây, trong khi giảm số lượng nhà cung ứng tại Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng cộng, có 187 công ty đang cung ứng cho Apple.

c39c84a65b8f26798d23554841f0552606388866.png
Trung Quốc vẫn thống trị chuỗi cung ứng Apple trên toàn cầu năm 2023. Ảnh: Nikkei

Trung Quốc chiếm phần lớn (52/187 nhà cung ứng, 286 nhà máy), tăng từ 48 năm 2022. Số lượng các nhà cung ứng Apple tại Việt Nam tăng 40% lên 35 trong cùng kỳ, còn tại Thái Lan tăng khoảng 1/3 lên 24, tại Ấn Độ vẫn duy trì 14.

Theo phân tích, 37% trong số 35 nhà cung ứng tại Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm Luxshare, Goertek, BYD. Cả ba đều đã mở rộng công suất để phục vụ Apple.

Chiến lược của nhà sản xuất iPhone đối lập với các đồng hương như Dell, vốn đang muốn loại bỏ tất cả chip và linh kiện sản xuất ở Trung Quốc, và HP, đang yêu cầu các nhà cung ứng tăng cường tại Đông Nam Á và Mexico.

Hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác, Apple đang “đi trên dây” giữa Washington và Bắc Kinh. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, Trung Quốc còn góp phần không nhỏ vào doanh thu Apple, 17% trong quý IV/2023.

e7e167a3c38baaf5aabd4ebd907e09f7fee9cff5.png
Việt Nam, Thái Lan có chỗ đứng ngày một chắc chắn trong chuỗi cung ứng Apple. Ảnh: Nikkei

Gần đây, CEO Tim Cook hoạt động như một “đại sứ” cho Apple tại châu Á – Thái Bình Dương. Vào tháng 3, ông có chuyến công tác một tuần đến Trung Quốc. Tại đây, ông không chỉ gặp gỡ các lãnh đạo từ các nhà cung ứng lớn mà còn với các quan chức cấp cao của chính phủ. Ông khẳng định “không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng với chúng tôi hơn Trung Quốc”, theo tờ China Daily.

Vài tuần sau, ông lại công du ba nước Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia và Singapore. Apple cho biết sẽ tăng cường chi tiêu cho các nhà cung ứng tại Việt Nam.

Karen Ma Li-Yen, Giám đốc hợp tác các khu vực mới nổi tại hãng tư vấn IEK, nhận định Việt Nam và Thái Lan hiện là hai điểm đến phổ biến nhất của các hãng công nghệ và đối tác cung ứng của họ.

Theo Ma, các nhà cung ứng không có xu hướng chối bỏ Trung Quốc hoàn toàn. Annabelle Hsu, nhà phân tích công nghệ của hãng nghiên cứu IDC, có chung nhận định. Ông nói, nhìn chung, Trung Quốc vẫn sở hữu chuỗi cung ứng laptop, máy tính và smartphone hoàn thiện nhất thế giới. Nước này tiếp tục là trung tâm của các nhà cung ứng linh kiện, bộ phận quan trọng cho máy tính, điện thoại. Dù vậy, khi xu hướng đa dạng hóa ngày càng tăng, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng là quy trình phức tạp, cần có thời gian.

(Theo Nikkei)