Theo đài truyền hình quốc gia Maroc, tính đến hết ngày 10/9, số trường hợp thiệt mạng vì trận động đất tấn công nước này đêm 8/9 đã lên đến ít nhất 2.122 người. Thiên tai cũng khiến 2.421 nạn nhân khác bị thương, trong đó hơn 1.000 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh đổ nát ở thành phố cổ Marrakech của Maroc sau thảm họa động đất. Nguồn: Reuters
Thiệt hại đối với di sản văn hóa của Maroc trở nên rõ ràng hơn khi truyền thông địa phương đưa tin về vụ sập một nhà thờ Hồi giáo quan trọng về mặt lịch sử, có từ thế kỷ 12. Động đất cũng làm hư hại một phần thành phố cổ Marrakech, nơi đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Nhiều người đã phải trải qua đêm thứ 3 ngoài trời sau cơn địa chấn dữ dội vì bị mất nơi trú ngụ hoặc nhà của họ có nguy cơ đổ sụp. Các nhân viên cứu trợ đang phải đối mặt với thách thức trong việc tiếp cận những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng núi High Atlas xa xôi, hiểm trở, tâm chấn của động đất.
Ở làng Moulay Brahim, cách Marrakech khoảng 40km về phía nam, các cư dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước và thực phẩm. Nhiều người đang phải dùng tay đào bới các đống đổ nát nhằm tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót cũng như đưa các thi thể ra ngoài.
Chính phủ Maroc cho biết có thể chấp nhận các đề nghị cứu trợ từ các quốc gia khác và sẽ nỗ lực điều phối chúng nếu cần.
Theo Reuters, Tây Ban Nha thông báo 56 sĩ quan cùng 4 chú chó nghiệp vụ đã đến Maroc, trong khi đội trợ giúp cứu hộ thứ 2 của nước này gồm 30 người cùng 4 chó nghiệp vụ cũng đang trên đường tới đây.
Chính phủ Anh đang triển khai một đội đánh giá y tế gồm 4 người, 60 chuyên gia tìm kiếm cứu nạn và 4 chó nghiệp vụ tới giúp Maroc. Đội cứu hộ do Qatar điều động cũng đã khởi hành tới quốc gia Bắc Phi.
Theo một quan chức Mỹ, Washington đã cử một nhóm chuyên gia về thảm họa tới Maroc để đánh giá tình hình. Chính phủ Mỹ và Pháp tuyên bố sẵn sàng cung cấp những trợ giúp cần thiết cho người dân Maroc.
Một số nước khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã đề nghị giúp chính quyền Rabat khắc phục hậu quả thiên tai.