PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em từ 5-19 tuổi ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua: từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
"Khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện ở Hà Nội năm 2023 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy khoảng một nửa số trẻ ở nội thành thừa cân, béo phì; trong khi tỷ lệ này ở ngoại thành là 20-31%", bác sĩ Nhung chia sẻ tại buổi tọa đàm về dinh dưỡng cho trẻ dưới 16 tuổi vừa diễn ra ngày 25/12.
Theo bác sĩ này, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất; trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường...
Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 và 2019 cho thấy tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh từ hơn 30,1% lên gần 34%.
Theo vị chuyên gia, thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. “Xét nghiệm 500 trẻ béo phì có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu", bác sĩ Nhung nói. Đái tháo đường không còn là bệnh của riêng người lớn mà đang dần trẻ hóa. Với người trưởng thành, trong 6 năm (2015-2021), tỷ lệ người thừa cân, béo phì đã tăng 30%. Cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người gặp tình trạng này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là đồ uống có đường, là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Đồ uống có đường ở dạng lỏng và chứa nhiều đường fructose nên được hấp thụ nhanh qua gan và chuyển thành chất béo trong gan, điều này có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Đồng thời, thực phẩm này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường, tim mạch, sâu răng hay các bệnh về răng miệng. Sử dụng nhiều đồ uống có đường cũng được chứng minh có nguy cơ ung thư đại trực tràng, giảm khả năng sinh sản và tác động xấu đến xương. Do đó, tần suất sử dụng đồ uống có đường tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong.
Theo WHO, tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Nếu năm 2013 mỗi người tiêu thụ 35,31 lít thì 7 năm sau, con số này tăng lên hơn 50 lít. Đặc biệt vào dịp cuối năm hay những ngày lễ, Tết, mức tiêu thụ nước ngọt cũng tăng gấp nhiều lần ngày thường.
Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/người/ngày của WHO.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và giảm xuống dưới 5%, tương đương 25gram hoặc 5-6 muỗng cà phê để có lợi hơn cho sức khỏe.
Về chính sách, theo WHO, các quốc gia triển khai kết hợp các giải pháp: Giáo dục truyền thông, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em và áp thuế với đồ uống có đường. Trong đó, áp thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất, hiện được áp dụng tại 115 quốc gia/vùng lãnh thổ, giúp giảm tiêu thụ loại đồ uống này để phòng chống các bệnh không lây nhiễm liên quan. Chính sách này cũng tiết kiệm chi phí bởi nó sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh.