Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết đưa vào khai thác cách đây 4 tháng đã khiến lưu lượng phương tiện chọn lộ trình qua cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây (HLD) tăng cao.
Cụ thể, VEC E ghi nhận đoạn từ nút giao An Phú (TP Thủ Đức) đến nút giao Km99 giữa cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai) nối với cao tốc HLD, lưu lượng trung bình hiện nay khoảng 58.000 – 62.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm đạt 70.000- 73.000 lượt xe/ngày đêm.
Trên cơ sở lưu lượng tham gia giao thông trên cao tốc HLD tăng cũng như các nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Trạm dừng nghỉ Km41+100 trong dịp nghỉ lễ 2/9 nên VEC E đưa khuyến cáo người dân lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong các ngày nghỉ lễ.
Việc khuyến cáo ‘né’ cao tốc nhằm giảm tải cho cao tốc HLD và để đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng khi sử dụng trạm dừng nghỉ, đồng thời không gây ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển. Ngoài ra, Đơn vị quản lý cao tốc HLD cũng khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ năm 2015 có chiều dài gần 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h; tổng số vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuối tháng 4 vừa qua, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) chính thức thông xe. Công trình được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, vận tốc cho phép tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h, khi đưa vào khai thác đã giúp lộ trình di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết rút ngắn còn khoảng 2 giờ.